Ngày 11-1-2020, Trung Quốc đã chính thức đưa vào hoạt động kính thiên văn lớn nhất thế giới với mục tiêu nghiên cứu vũ trụ và tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái đất.
Kính viễn vọng hình cầu có khẩu độ 500m (còn gọi là FAST) có kích cỡ tương đương 30 sân bóng đá và được đặt tại một ngọn núi ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc. Kính viễn vọng FAST được hoàn tất xây dựng vào tháng 9-2016 với chi phí gần 1,2 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD) và trải qua thử nghiệm trong suốt 3 năm.
Kỹ sư trưởng của dự án Jiang Peng khẳng định các hoạt động thử nghiệm kính viễn vọng FAST đều rất ổn định và đáng tin cậy, độ nhạy của kính này tốt hơn 2,5 lần so với kính thiên văn lớn thứ hai thế giới hiện nay. FAST có khả năng tiếp nhận lượng thông tin lên tới 38 gigabyte/giây.
Hiện có khoảng 10 nhà khoa học từ Mỹ, Anh và Pakistan đang làm việc tại FAST. Trong hơn 2 năm qua, FAST đã phát hiện được 102 ẩn tinh mới, nhiều hơn tổng số ẩn tinh được các nhóm nghiên cứu tại châu Âu và Mỹ phát hiện trong cùng thời gian. Qua quá trình thử nghiệm, dự án cũng thu thập được một số dữ liệu khoa học giá trị và được kỳ vọng sẽ giúp mang lại những bước ngoặt trong các lĩnh vực như phát hiện sóng trọng lực tần số thấp trong 3-5 năm tới.
Trước đó, để đảm bảo FAST hoạt động hiệu quả, khoảng 7.000 cư dân sinh sống ở khu vực lân cận đã phải di dời, trước khi quay lại định cư tại một thị trấn cách kính viễn vọng này 10 km. Một công viên với chủ đề thiên văn học đã được xây dựng quanh FAST, thu hút lượng lớn du khách.
Đẩy mạnh chương trình vũ trụ là một trong những ưu tiên của Trung Quốc nhằm trở thành một cường quốc về hàng không vũ trụ vào năm 2030. Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ riêng vào năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.