Tuy chưa thể chữa trị dứt điểm nhưng cơ quan y tế của Trung Quốc đã gợi ý nhiều phương pháp đối phó với viêm phổi do vi rút corona mới (nCoV) như đông y và “phổi nhân tạo”.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vào chiều 23-1-2020 đã đăng hướng dẫn về các trường hợp nghi vấn cần cách ly. Theo đó, các bệnh nhân cần điều trị căn bản như bổ sung oxy và thuốc kháng vi rút.
Vi rút mới này có tên nCoV, xuất hiện tại thành phố Vũ Hán từ cuối năm 2019 và đến nay đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong và 830 ca nhiễm.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời lãnh đạo Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Didier Houssin nhận định, hiện vẫn còn quá sớm để coi nCoV là “vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu”.
nCoV cùng họ với những vi rút từng gây dịch bệnh nguy hiểm trước đây như SARS và Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS). WHO đánh giá triệu chứng của căn bệnh chủ yếu là sốt, một số bệnh nhân khó thở và chụp ảnh phổi có dấu hiệu bị xơ.
Tờ People’s Daily ngày 23-1 đưa tin rằng, hơn 30 người nhiễm nCoV đã phục hồi và được xuất viện.
Dưới đây là video người dân tìm cách rời Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa thành phố có hiệu lực (nguồn: RT):
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đề xuất rằng, đông y có thể áp dụng để điều trị và cơ quan này còn đưa ra danh sách nhiều thảo dược. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cũng nhấn mạnh các phương pháp đề xuất không chủ đích dành cho “ngăn chặn bệnh” mà để “tham khảo dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân”.
Đối với những bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch, cơ quan này gợi ý nên áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) - tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể để hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.
Tờ The Paper (Trung Quốc) cho biết, bệnh viện Zhongnan tại Vũ Hán đã sử dụng ECMO để điều trị cho một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, The Paper không nêu rõ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau khi được điều trị bằng ECMO.
Giáo sư David Hui Shu-cheong tại Đại học Trung Quốc (Hong Kong, Trung Quốc) phân tích rằng, kỹ thuật ECMO có hạn chế là chỉ áp dụng được trên số bệnh nhân giới hạn và không thể coi là cách chữa trị.
Ông David Hui Shu-cheong nêu rõ: “ECMO chỉ phù hợp với những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và không mắc bệnh mãn tính khác”. Ngoài ra, ông David Hui Shu-cheong cũng cho biết, chỉ những bệnh viện ở thành phố lớn mới có ECMO và cần tới 4 y tá để vận hành kỹ thuật này.
ECMO từng được áp dụng tại Trung Quốc để điều trị trong các dịch bệnh như H1N1 năm 2009 và H7N9 năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.