(HNMO) - Trung Quốc mới đây phê duyệt chứng nhận an toàn của đậu tương chỉnh sửa gien. Đây là lần đầu tiên quốc gia này chấp nhận công nghệ chỉnh sửa gien đối với một loại cây trồng trong bối cảnh kỳ vọng thúc đẩy sản xuất lương thực thông qua khoa học.
Quyết định kể trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại, thời tiết thất thường và cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng mối lo ngại của Trung Quốc về hoạt động cung cấp lương thực cho hơn 1,4 tỷ người dân.
Hồi đầu năm 2022, Trung Quốc cũng đã công bố các quy định thử nghiệm đối với thực vật chỉnh sửa gien, mở đường cho việc áp dụng công nghệ này đối với cây trồng nhằm mục đích tăng cường an ninh lương thực.
Theo một tài liệu do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố trước đó, chứng nhận an toàn đối với đậu tương chỉnh sửa gien được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Shandong Shunfeng có thời hạn 5 năm.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy cây trồng biến đổi gien, bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn ngô biến đổi gien trong năm nay. Việc đưa cây trồng chỉnh sửa gien ra thị trường dự kiến sẽ nhanh hơn do đơn giản hóa quy trình quản lý.
Loại đậu tương của Shandong Shunfeng mang hai gien biến đổi, có khả năng gia tăng đáng kể lượng axit oleic lành mạnh trong cây.
Không giống với việc biến đổi gien bằng cách đưa gien ngoại lai vào cây trồng, chỉnh sửa gen chỉ làm thay đổi các gien có sẵn. Công nghệ này được đánh giá ít rủi ro hơn và ít bị quản lý chặt chẽ tại một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Shandong Shunfeng tuyên bố là công ty đầu tiên ở Trung Quốc có kế hoạch thương mại hóa cây trồng chỉnh sửa gien. Đại diện công ty này cho biết đang nghiên cứu khoảng 20 loại cây trồng chỉnh sửa gien khác, bao gồm lúa, lúa mì và ngô cho năng suất cao hơn, lúa kháng thuốc diệt cỏ, đậu tương và rau diếp giàu vitamin C.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.