Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc - Ấn Độ: Khoảng cách niềm tin

Đình Hiệp| 28/09/2014 06:47

(HNM) - Kể từ ngày 26 đến 30-9 tới, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực biên giới Chumar thuộc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) phân chia lãnh thổ hai nước.


Theo đó Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đồng ý ngừng xây dựng con đường từ Chepzi, bang Jammu và Kashmir tới Chumar, trong khi Ấn Độ hủy bỏ một trạm quan sát cho phép theo dõi nhất cử nhất động của quân đội Trung Quốc.

Tranh chấp chủ quyền biên giới tại khu vực LAC là thách thức trong quan hệ Trung - Ấn.



Căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn tại khu vực miền núi hẻo lánh trên biên giới này xảy ra cách đây hơn chục ngày khi hàng trăm lính Trung Quốc tiến vào khu vực biên giới Chumar thuộc LAC miền Đông bắc Ấn Độ mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Theo ghi nhận của giới chức quân sự Ấn Độ, khoảng 800 binh lính Trung Quốc đã dựng một khu trại vào sâu trong lãnh thổ của nước này 3km tại khu vực biên giới Chumar, trong khi 1.500 binh lính Ấn Độ cũng dựng căn cứ riêng ở gần đó. Căng thẳng bùng phát mạnh khiến Tham mưu trưởng lục quân của Ấn Độ - Tướng Dalbir Singh buộc phải hủy chuyến công du dự kiến kéo dài ba ngày đến nước láng giềng Bhutan để trực tiếp giám sát diễn biến vụ việc cũng như có những chỉ đạo kịp thời.

Đây không phải lần đầu tiên quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Châu Á này bị phủ bóng bởi những nghi kỵ lẫn nhau về tranh chấp lãnh thổ không khoan nhượng trên cao nguyên ở dãy Himalaya. Thực tế cho thấy, hàng chục năm qua kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn (1962) kết thúc, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất và thứ ba ở Châu Á này chưa lúc nào thực sự bình yên vì tranh chấp ở biên giới. Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 ở khu vực bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, trong khi New Delhi cáo buộc Bắc Kinh chiếm 38.000km2 lãnh thổ trên cao nguyên ở dãy Himalaya. Kể từ năm 1990 đến nay hai nước đã tổ chức 17 vòng đàm phán về vấn đề biên giới nhưng đều không đạt được tiến triển nào đáng kể. Theo ghi nhận của giới chức New Delhi, trong hai năm qua số lần Trung Quốc xâm phạm biên giới nước này tăng vọt, trong khi Bắc Kinh lại luôn phủ nhận cáo buộc này.

LAC là đường biên giới trên thực tế giữa hai quốc gia láng giềng Trung - Ấn, kéo dài khoảng 4.000km dọc dãy núi Himalaya. Thế nhưng, rất hiếm khi có chuyện một trong hai nước dựng trại vào sâu trong vùng lãnh thổ tranh chấp của nhau như những gì vừa xảy ra. Điều đáng nói cuộc "đối đầu" giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới thuộc LAC lần này diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày (từ 17 đến 19-9) đến Ấn Độ. Cho dù Bắc Kinh cam kết đầu tư gần 20 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ trong vòng 5 năm tới, nhưng cuộc hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi vẫn không đạt được một thỏa thuận đột phá nào trong giải quyết căng thẳng tại khu vực biên giới tranh chấp. Thủ tướng N.Modi trong cuộc họp báo kết thúc hội đàm đã không ngần ngại tuyên bố rằng, New Delhi sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn với Trung Quốc về lãnh thổ.

Mặc dù căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn đã "hạ nhiệt" sau cam kết rút hết quân khỏi khu vực biên giới, song không ai dám chắc rằng những vụ tương tự sẽ không tái diễn khi những cơ chế để giải quyết triệt để vấn đề vẫn chưa được thống nhất và cả hai đều không tỏ ra sẵn sàng có bất kỳ sự nhượng bộ nào về chủ quyền lãnh thổ. Do vậy, cuộc đối đầu căng thẳng vừa qua chỉ là một dấu hiệu cho thấy, bất chấp những tuyên bố hợp tác đầy hứa hẹn, giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á vẫn tồn tại một khoảng cách chưa thể lấp đầy về niềm tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc - Ấn Độ: Khoảng cách niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.