Cơ chế thu hồi hay trưng mua đất đang là vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm khi Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Không ít ý kiến cho rằng, Luật Đất đai hiện hành còn nhiều kẽ hở trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất nên nhiều năm qua chỉ bằng những quyết định hành chính, hàng nghìn héc ta đất đã bị thu hồi để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf và các dự án khác. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải cụ thể, quan tâm hơn đến quyền lợi của người dân. Dự thảo cần bỏ quy định thu hồi đất khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Điều 61, bởi không được "khoác áo" kinh tế - xã hội để thu hồi đất của dân.
Tán thành quan điểm trên, nhiều ý kiến đề nghị Luật Đất đai nên sử dụng từ "thu hồi" khi lấy đất phục vụ các công trình an ninh quốc phòng hay phục vụ lợi ích công cộng. Ngoài ra, việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính cũng chỉ nên thực hiện trong những trường hợp do vi phạm pháp luật đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Còn đối với các trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA, các ý kiến đề nghị nên sử dụng cơ chế trưng mua.
Theo đánh giá của các chuyên gia lập pháp, việc quy định rõ các trường hợp thu hồi, trưng thu đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) là hết sức cần thiết, góp phần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất. Quan trọng hơn, điều này cũng bảo đảm tính hợp hiến khi luật được ban hành bởi trong Hiến pháp hiện hành đã quy định: "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định". Đặc biệt tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được đưa ra góp ý cũng đã có những thay đổi căn bản liên quan tới quyền tài sản. Trong đó đáng lưu ý, Điều 58 của Dự thảo có quy định: Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
Như vậy có thể thấy, việc quy định, áp dụng cơ chế trưng mua đất không chỉ bảo đảm quyền, lợi ích của người có đất mà còn góp phần hoàn thiện và bảo đảm tính hợp hiến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.