Những diễn biến liên quan giữa Iran, Syria với Israel và phương Tây tiếp nối trong tuần qua đã khiến khu vực này “nóng bỏng” thực sự, qua đó tác động đến tình hình thế giới, trước hết là giá dầu.
Iran hiện vừa chịu sự trừng phạt bởi lệnh cấm vận của cả Mỹ và phương Tây, trong khi "sức nóng" từ các lò phản ứng hạt nhân của Iran đang khiến quan hệ giữa nước này với Israel và phương Tây ngày càng căng thẳng.
Cuộc "khẩu chiến" giữa Israel và Iran bị đẩy lên cao khiến hai bên vào thế đối đầu nguy hiểm.
Chương trình hạt nhân của Iran bị Israel coi là "mối đe dọa hiện hữu" đối với Nhà nước Do Thái. Ðó cũng là một trong những lý do Mỹ và đồng minh Israel luôn úp mở các thông tin về một kế hoạch tiến công Iran.
Về phần mình, Iran cũng không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân sẵn sàng đối phó các mối đe dọa từ bên ngoài.
Tất cả những diễn biến dồn dập trên xuất hiện trong những ngày qua khiến khu vực Trung Đông càng trở nên nóng bỏng với lo ngại nguy cơ sắp bùng nổ cuộc chiến tranh Iran và Israel.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây đã bị đẩy lên cao hơn, sau khi Bộ Dầu mỏ Iran tuyên bố ngừng bán dầu cho các công ty dầu mỏ của Anh và Pháp, nhằm trả đũa việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Iran.
Điều này tạo “cơn sốt” trên thị trường dầu mỏ, đẩy giá dầu lên cao nhất trong vòng 9 tháng qua và gây lo ngại đối với triển vọng kinh tế vốn không mấy sáng sủa của thế giới. Theo các chuyên gia phân tích, hành động Iran ngừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu sang Anh và Pháp sẽ gây căng thẳng tất yếu về nguồn cung dầu mỏ cho thị trường thế giới.
Việc thiếu nguồn cung và giá dầu tăng sẽ dẫn đến các tác động tai hại đối với sự phục hồi mong manh của các nền kinh tế trên thế giới, gây tổn thất lớn cho các ngành công nghiệp, giao thông. Các nền kinh tế đang chồng chất khó khăn và ngập trong nợ công của EU như: Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italia sẽ bị tổn thương nghiêm trọng khi thiếu nguồn cung dầu của Iran. Khoảng 70 nhà máy tại EU vốn lọc dầu nhập từ Iran sẽ phải đóng cửa và các nước châu Á có thể phải bán sản phẩm lọc dầu Iran sang EU... Hơn nữa, khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao, kinh tế các nước châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương không có nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược cũng sẽ bị tổn hại nặng nề.
Một số nhà phân tích cho rằng, một khi giá dầu thế giới tăng, kinh tế EU sẽ bị khủng hoảng trầm trọng hơn, giá cả hàng hóa sẽ tăng theo giá dầu trên quy mô toàn cầu... Do vậy, tất cả các nền kinh tế trên thế giới sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới.
Giá dầu tăng còn do một nguyên nhân khác là việc Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp khắc khổ mới, mở đường cho nước này nhận gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ Euro từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tránh nguy cơ vỡ nợ, khiến giới đầu tư đã tăng cường mua dầu mỏ nên giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Trong diễn biến ở một nước Trung Đông khác, Syria, theo các nhà phân tích, tình hình ở nước này xem ra ngày càng xấu đi nhưng hồi kết cho cuộc khủng hoảng này vẫn khá xa vời. Hai tuần qua, trong khi Syria chạy đua với thời gian để khôi phục an ninh và trật tự bằng việc thẳng tay đàn áp các nhóm được cho là có vũ trang và Tổng thống Bashar al-Assad công bố kế hoạch tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp vào ngày 26/2, thì các lực lượng vũ trang đối lập đã thể hiện sự thách thức, khi lên tiếng bác bỏ kế hoạch này, cho rằng đó là đề xuất không chân thành.
Giới phân tích cho rằng tình trạng bất ổn kéo dài 11 tháng qua ở Syria đang trở nên tồi tệ hơn.
Nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Syria, ngày 23/2, LHQ và Liên đoàn Arập ngày 23/2 đã bổ nhiệm cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan làm đặc phái viên chung của hai tổ chức này về cuộc khủng hoảng Syria.
Về lĩnh vực kinh tế, chiều 20/2, tại thành phố du lịch biển Los Cabos của Mexico, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G 20) đã bế mạc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào, bất chấp những thách thức toàn cầu mà tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới đang phải đối mặt. Hội nghị chỉ dừng lại ở mức thống nhất cần phải hành động để đảm bảo các cơ chế quốc tế hoạt động có hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị chao đảo.
Trong một diễn biến khác, ngày 23/2, những người biểu tình Afghanistan đã tấn công một căn cứ quân sự do Mỹ điều hành trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối việc binh lính Mỹ đốt bản kinh Koran trước đó. Vụ việc gây phẫn nộ dân chúng Afghanistan.
Ngày 23/2, Văn phòng Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai thông báo, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi cho ông Karzai một bức thư xin lỗi về vụ việc các binh sỹ NATO đốt các bản kinh Koran tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan. Tổng thống Obama khẳng định đó không phải là hành động có chủ đích và cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc.
Trong các ngày 21-22/2, tại Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD) ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Công ước CERD đã có 2 phiên đối thoại về báo cáo của Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc giai đoạn 2000-2009.
Ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam cho biết, Đoàn Việt Nam đã đối thoại cởi mở và thẳng thắn về các vấn đề được nêu. Việc pháp luật Việt Nam khẳng định quyền bình đẳng dân tộc, chống mọi hành vi xâm phạm quyền đó, chống các hành vi gây thù hận, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, và việc Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho các dân tộc thiểu số là hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc trong Công ước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.