(HNM) - Bất chấp tiến trình hòa bình Trung Đông lâm vào bế tắc khi Israel (ngày 1-12) công bố quyết định xây dựng Khu định cư Do Thái với 625 căn hộ tại Pisgat Zeev ngay sát Đông Jerusalem, cộng đồng quốc tế vẫn dành sự ủng hộ cho nền độc lập của người dân Palestine.
Ngày 6-12, Argentina và Uruguay đã chính thức tuyên bố công nhận một Nhà nước Palestine độc lập. Trước đó ngày 3-12, Brazil đã ra thông cáo công nhận Nhà nước Palestine với các đường biên giới tồn tại trước tháng 6-1967. Như vậy, cho đến nay đã có khoảng 104 nước công nhận Nhà nước Palestine độc lập và 150 nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Người dân Palestine thu dọn đống đổ nát tại khu vực phía nam Dải Gaza sau vụ không kích ngày 8-12 của Israel. |
Sự kiện này phản ánh thái độ tích cực của cộng đồng quốc tế với tiến trình hòa bình Trung Đông trong bối cảnh hiện nay. Đó là một Nhà nước Palestine độc lập trên Dải Gaza, khu Bờ Tây sông Jordan và phía đông Jerusalem, cùng những vùng lãnh thổ đã bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967.
Trong thư gửi người đồng cấp Palestine Mahmud Abbas, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner nêu rõ, quyết định của Buenos Aires là phù hợp với quan điểm truyền thống ủng hộ tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, các nghị quyết của Liên hợp quốc cũng như quan điểm của hơn 100 quốc gia khác trên thế giới. Ngày 6-12, Thứ trưởng Ngoại giao Uruguay tuyên bố, trong năm 2011, nước này sẽ công nhận Palestine là một nhà nước và cho biết các cơ quan chức năng Uruguay đã cộng tác và liên hệ để mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Palestine. Trước đó, trong phiên bế mạc cuộc họp nhân "Ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine", ngày 30-11, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua 6 nghị quyết về tình hình xung đột ở Trung Đông nhấn mạnh, việc Israel tuyên bố thành phố Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái là "vô giá trị và không có hiệu lực" và "Một giải pháp toàn diện, đúng đắn và lâu dài cho vấn đề quy chế đối với Jerusalem cần phải phù hợp với các yêu cầu chính đáng của cả Palestine và Israel".
Vấn đề ở đây là thái độ của Mỹ và các nước phương Tây trước những động thái này. Washington đã có phản ứng không mặn mà sau tuyên bố công nhận độc lập của Palestine nêu trên của các đồng hương Nam Mỹ. Ngay sau quyết định công nhận một Nhà nước độc lập Palestine của một số nước, Mỹ và phương Tây cho rằng, nhà nước này nên được thành lập thông qua một hiệp định hòa bình với Israel. Thậm chí, sau quyết định của Brazil, các nghị sỹ Mỹ đã lên án và bày tỏ thái độ rằng, quyết định này là một "sai lầm nghiêm trọng" và "đáng tiếc".
Rõ ràng, Tel Aviv đang nhận được sự hậu thuẫn không nhỏ từ các quốc gia đồng minh. Trên bàn cờ địa - chính trị, Israel là một "mắt xích" quan trọng của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông; nhất là trong bối cảnh đầy bất trắc như hiện nay. Sự ủng hộ ấy đã khuyến khích Tel Aviv đưa ra nhiều quyết định bị Palestine phản đối. Do đó, bất chấp "chiếc bánh" được Washington chìa ra là gói hỗ trợ 3 tỷ USD; trong đó có việc cung cấp 20 máy bay chiến đấu F-35, để đổi lấy việc Israel ngừng xây khu định cư trong vòng 3 tháng thì chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn "lắc đầu". Kế hoạch xây dựng khu định cư mới tại Pisgat Zeev ngay sát Đông Jerusalem như nêu trên của Israel được thực hiện sẽ biến nơi đây thành một trong những khu Do Thái lớn nhất với khoảng 50.000 người sinh sống. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (ngày 8-12) nhận định, việc Israel từ chối tạm dừng xây dựng các khu định cư và công bố quyết định xây dựng mới là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Hành động của Israel không chỉ là bước lùi mà còn đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào khó khăn mới. Nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm nối lại đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine đang bước vào khúc quanh khó lường. Nền hòa bình thực sự trong khu vực này chỉ có được khi cả Israel lẫn Palestine tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tiếng nói được trông đợi này vẫn ở đâu đó khá xa trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.