(HNM) - Những ngày này, đến đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), du khách vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn những sản phẩm mây tre tinh xảo; chứng kiến đôi tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh.
Du khách nước ngoài thích thú với các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh. |
Những làng nghề khiến du khách "phải lòng"
Hà Nội có xấp xỉ 1.300 làng nghề, mỗi nơi lại có một sản phẩm đặc trưng làm nên tên tuổi, hồn cốt của đất, người nơi đó. Như cô bán hàng bỏng kẹo ở chợ quê làng Lủ, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai khiến du khách phải lưu luyến thốt lên: “Mình từ làng kẹo mình ra/Nên mình nói ngọt cho ta phải lòng”.
Gần đây, kết hợp du lịch với văn hóa làng nghề đang là hướng đi phù hợp được nhiều địa phương quan tâm. Những làng nghề có sản phẩm được du khách trong và ngoài nước biết đến có thể kể đến làng làm chuồn chuồn tre dưới chân núi Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất); làng đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai); làng Chuông làm nón thuộc xã Phương Trung (huyện Thanh Oai); làng sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín)...
Trong cơ chế thị trường, mỗi làng nghề, mỗi nghệ nhân đều tự tìm cho mình lối đi riêng để vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ vốn nghề quý báu cha ông để lại. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Trung của làng nghề Phú Vinh chia sẻ, qua gần 400 năm lịch sử, các nghệ nhân làng Phú Vinh đã tạo ra hàng trăm cách đan khác nhau như đan xương cá, kết hình hoa và kết hợp màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều mẫu mã sản phẩm tinh xảo, tính thẩm mỹ cao. Đến nay, những đồ vật mây tre như đĩa, khay, lọ hoa, chao đèn, rèm cửa, bàn, ghế, tranh chân dung, phong cảnh... của Phú Vinh đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới...
Vào những ngày giữa tháng 3 vừa qua, lễ hội truyền thống làng Bát Tràng do Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và 15 làng nghề truyền thống khác tổ chức tại Bát Tràng cũng là một kênh hiệu quả đưa du khách đến với văn hóa làng nghề. Ông Hà Văn Lâm, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, để thu hút khách du lịch, người dân làng gốm Bát Tràng đã xây dựng những lò gốm mini để khách có thể nặn, vẽ gốm. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, mỗi ngày có khoảng 300 khách du lịch đến tham quan ở khu vực đình làng Bát Tràng, chưa kể hàng trăm du khách thường xuyên ghé thăm chợ gốm. Tổng doanh số bán hàng của làng nghề Bát Tràng đạt gần 1.000 tỷ đồng năm 2016 thực sự là minh chứng sinh động cho sự hấp dẫn của làng nghề nghìn năm tuổi này.
Kết nối nhiều giải pháp
Phát huy thế mạnh của làng nghề gắn với du lịch là vấn đề được quan tâm thời gian qua, nhưng trên thực tế số lượng làng làm du lịch tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, với tiềm năng của “vùng đất trăm nghề”, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, các làng nghề vẫn đứng trước nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, dịch vụ; thiếu đội ngũ thiết kế và phát triển sản phẩm chuyên nghiệp, các trung tâm thiết kế, sáng tạo và trưng bày sản phẩm, cũng như vốn và nguồn nguyên liệu…
Lý giải về tình trạng này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, đó là do người dân làng nghề chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa, chưa biết cách tổ chức sản xuất, tiếp thị. Một số sản phẩm dù đã được thương mại hóa nhưng việc bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả chưa được chú trọng. Đồng thời, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ vẫn mang tính ngắn hạn, chưa có chương trình dài hạn, từ đó tạo ra sản phẩm đa dạng về mẫu mã, giá trị gia tăng cao… Chính những hạn chế này đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực, quốc tế.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thì cho rằng, phần lớn các làng nghề chưa có điều kiện để trình diễn trong khi dịch vụ phục vụ khách tham quan còn nghèo nàn. Một làng nghề chỉ được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng. Các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động... có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại chưa được quan tâm.
Nhằm giúp các làng nghề Hà Nội tìm “đầu ra” cho sản phẩm, từ năm 2012, chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đã được HPA cùng ngành Công Thương triển khai. Qua đây, Hà Nội đã hỗ trợ các làng nghề sản xuất những sản phẩm được thiết kế phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại, nâng cao giá trị sản xuất. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc HPA cho biết, năm 2016, chương trình OVOP đã giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm quà tặng chất lượng cao, thiết kế đẹp do chuyên gia nước ngoài tư vấn; nghệ nhân làng nghề và doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thực hiện.
Hiện nay, du lịch sáng tạo đang là một xu hướng hấp dẫn, du khách đến làng nghề không chỉ ngắm nhìn, mua sản phẩm mà còn muốn được tham gia, học kỹ năng và tự tay tạo ra sản phẩm. Điều quan trọng, các làng nghề phải giữ được nghệ nhân, cũng như giữ được những ngôi nhà có kiến trúc cổ, sưu tầm các sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề. Trong làng có người am hiểu nghề, rành phong tục và văn hóa địa phương để giới thiệu đến du khách. Đồng thời, các làng nghề cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ làm du lịch tại chỗ. Đặc biệt, các làng cần ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích họ trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm. Có sự kết nối đồng bộ để giải quyết các vấn đề trên, mối duyên du lịch - làng nghề chắc chắn sẽ đơm thêm nhiều "trái ngọt".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.