Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trụ cột của giấc mơ châu Âu

Minh Hiếu| 19/11/2018 23:40

(HNMO) - Đúng một tuần sau Lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới thăm Đức và dự ngày tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại trong chiến tranh...


Tổng thống Pháp phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức. (Ảnh: DPA)


Đối với ông chủ Điện Elysee, một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình là khôi phục niềm tin trong quan hệ Pháp - Đức và thúc đẩy mạnh mẽ trục Pháp - Đức trong Liên minh châu Âu (EU). Điều này đã được chứng minh rất rõ khi nhà lãnh đạo đất nước hình lục lăng chọn Đức làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên (vào ngày 15-5-2017) - chưa đầy 24 giờ sau khi nhậm chức. Quan hệ hợp tác Paris - Berlin tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét thông qua việc chung sức giải quyết các cuộc khủng hoảng mà cả châu Âu phải đối mặt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thắt chặt an ninh để hướng tới sự thống nhất, đoàn kết trong EU.

Từ lâu, Pháp và Đức đã chia sẻ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các vấn đề của EU và có nhiều điểm chung về an ninh, kinh tế, phòng chống khủng bố, giải quyết bài toán nhập cư. Các kế hoạch cải tổ EU sâu rộng và đầy tham vọng của Tổng thống E.Macron luôn ở vị trí trung tâm các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trước sự trỗi dậy của phong trào cực hữu, dân tộc ở nhiều nước trong khu vực, Pháp và Đức đã cùng gánh vác trách nhiệm nặng nề làm đầu tàu tái tạo một nền tảng mới thống nhất và mạnh mẽ cho Lục địa già. Các chuyên gia nhận định, quan hệ giữa Paris và Berlin là yếu tố quyết định cho sự thành công hay thất bại của giấc mơ châu Âu thống nhất, tạo cho EU một trụ cột kinh tế vững mạnh, sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong bối cảnh Anh sẽ rời khỏi mái nhà chung vào tháng 3-2019.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức hôm 18-11, Tổng thống Pháp E.Macron nhấn mạnh, đã đến lúc hai quốc gia này hợp tác xây dựng một châu Âu hiện đại, hiệu quả và dân chủ trong tương lai. Theo nhà lãnh đạo Pháp, Cựu lục địa cần phát triển một cách mạnh mẽ và tự chủ hơn để có thể hoàn thành nhiệm vụ ngăn cản mọi tình huống hỗn loạn trong các vấn đề toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 18 năm qua, một Tổng thống Pháp có bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức. Về phần mình, Thủ tướng A.Merkel nhất trí cho rằng, châu lục này đang đứng ở một vị trí bấp bênh. “Bà đầm thép” của nước Đức một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ đối với đề xuất của ông chủ Điện Elysee về việc thành lập quân đội châu Âu trong tương lai, biểu tượng cho một lục địa thống nhất.

Tuy nhiên, tình hình chính trị, kinh tế tại mỗi quốc gia cùng những khó khăn trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng đặt ra nhiều thách thức cho mối quan hệ liên minh này. Dù cách biệt là gì, các nhà lãnh đạo hai bên cũng cần nhanh chóng giải quyết, bởi việc Pháp - Đức không thống nhất được quan điểm sẽ khiến châu Âu bị chia rẽ, trở nên yếu thế trong các vấn đề quốc tế và khó lòng thực hiện các chính sách chung hiệu quả. Mỗi quốc gia đơn lẻ ở châu Âu, kể cả Pháp hay Đức nếu không có sự liên minh, liên kết cũng khó lòng để cạnh tranh với các siêu cường đang có được sức mạnh cả về kinh tế và quân sự.

Cả Pháp và Đức đã vượt qua các cuộc chiến tranh tàn khốc để xây dựng một nền hòa bình lâu dài và củng cố nền tảng hợp tác vững mạnh trên mọi lĩnh vực. Trong nhiều thập kỷ tới, trục Pháp - Đức vẫn sẽ là hạt nhân, chỗ dựa, trụ cột chính và là động lực cho sự phát triển ổn định, thịnh vượng, thống nhất của châu Âu. Như nhà lãnh đạo Pháp đã khẳng định, chỉ có tình hữu nghị không thể tách rời giữa hai nước mới giúp châu Âu tránh rơi vào tình thế hỗn loạn và định hướng thế giới đi theo con đường hòa bình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trụ cột của giấc mơ châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.