(HNM) - Rằm tháng Giêng - Ngày thơ Việt Nam - ngày hội tôn vinh thơ ca, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đang đến gần. Song, do đại dịch Covid-19, năm nay là năm thứ ba, Ngày thơ Việt Nam không được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dù vậy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới đã nhận định, thơ ca vẫn tiếp tục dòng chảy, càng trong thách thức, thơ ca càng cất tiếng và lan tỏa mạnh mẽ.
Những vần thơ “Hãy sống và hy vọng”
- Thưa ông, Hội Nhà văn Việt Nam có kế hoạch hoạt động như thế nào nhân Ngày thơ Việt Nam năm nay?
- Hội Nhà văn Việt Nam đã có văn bản gửi các hội văn học nghệ thuật trên toàn quốc về việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam - Nguyên Tiêu Nhâm Dần 2022, để mỗi địa phương tùy theo tình hình có hoạt động phù hợp. Ngày thơ Việt Nam năm nay có chủ đề “Hãy sống và hy vọng”.
Năm 2021 là một năm khó khăn, nhiều thách thức và cả mất mát đối với đất nước, bởi đại dịch Covid-19. Song, trong khó khăn, thách thức và mất mát ấy, tinh thần Việt Nam lại một lần nữa hiện ra với vẻ đẹp văn hóa cao thượng và ý chí sống mãnh liệt như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là tình yêu thương đồng loại, sự dâng hiến cho cộng đồng, sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân vì sự bình an của con người và sự phát triển của đất nước, đặc biệt là niềm hy vọng lớn lao của con người Việt Nam về một tương lai tốt đẹp hơn. Chính những điều ấy là cảm hứng cho thơ ca và là mục tiêu để thơ ca hướng tới.
Rất tiếc, Ngày thơ Việt Nam năm nay tiếp tục không thể tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Hội Nhà văn Việt Nam vẫn có những hoạt động theo cách thức khác nhau. Trên các phương tiện truyền thông của Hội, như: Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và Đời sống, website Hội Nhà văn Việt Nam dịp này sẽ có nhiều bài viết về thơ ca. Ngoài ra, Hội cũng kết hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, các kênh truyền hình thực hiện những chuyên đề thơ với đời sống. Các nhà thơ tên tuổi, nhóm tác giả cũng sẽ có những chương trình trò chuyện trực tuyến về thơ ca trong ngày Rằm tháng Giêng.
- Còn các địa phương có tổ chức hoạt động nào nổi bật không, thưa ông?
- Những địa phương mà tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt sẽ có hoạt động sinh hoạt thơ, song chỉ với số lượng người ít. Chẳng hạn, Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên đang tổ chức cuộc thi thơ với chủ đề “Hãy sống và hy vọng”; Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên tổ chức ngày hội thơ trên núi Nhạn… Các sự kiện được rút gọn hơn so với trước đây, nhằm bảo đảm phòng, chống dịch, nhưng vẫn có dấu ấn để mọi người nhớ đến Ngày thơ Việt Nam.
- Năm nay là năm thứ ba Ngày thơ Việt Nam không thể tổ chức đông đảo, vậy theo ông, liệu dòng chảy thơ ca có bị ảnh hưởng không?
- Việt Nam - đất nước chúng ta là một dân tộc đặc biệt. Thơ ca luôn vang lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong mất mát, đau thương, hay niềm vui, hy vọng. Hai năm qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thơ ca lại có vẻ phát triển và nở rộ hơn. Trên các báo, tạp chí, thơ được đăng tải liên tục. Các tập thơ cũng được xuất bản đều đặn. Trên mạng xã hội, những vần thơ lan tỏa mạnh mẽ, có đời sống phong phú. Không chỉ các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà những sinh viên, trí thức, người lao động… cũng bước vào thế giới này, mượn thơ để bày tỏ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình. Đặc biệt, có những bài thơ, chùm thơ, thậm chí có cả những trường ca về đề tài phòng, chống dịch Covid-19, nói về con người Việt Nam, bản lĩnh, thái độ sống, cách hành xử của mỗi người khi đối mặt với đại dịch.
Thơ ca là phương tiện, lý do để bày tỏ về cuộc sống
- Theo ông, vị trí của thơ ca hiện nay có còn quan trọng như trước đây?
- Mỗi giai đoạn, thơ đều có vị trí nhất định. Những năm tháng chiến tranh, thơ ca giống như ngọn lửa thiêng, vang dội khắp nơi. Có nhiều câu chuyện huyền thoại về thơ ca trên chiến trường. Thơ gắn bó, thân thuộc, là bạn, là nguồn cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ và những người ở hậu phương. Bây giờ, thơ ca đồng hành cùng nhiều hình thức văn hóa tinh thần khác, nhưng vẫn có đời sống riêng. Người sáng tác thơ vẫn rất đông đảo. Có thể nói, một nền thơ ca được tạo nên bởi hai bộ phận: Các nhà thơ chuyên nghiệp sáng tác để mở rộng chiều kích của tiếng Việt, làm thay đổi ngôn ngữ, mang lại sự mới mẻ cho nghệ thuật thơ ca; còn một bộ phận rất lớn là những người làm ra đời sống thơ ca. Đó là những người yêu thơ, đọc thơ, làm thơ, giảng dạy, nghiên cứu thơ… Thơ ca là tinh thần, là giấc mơ của họ. Họ tìm đến thơ ca, chọn thơ ca là phương tiện, lý do để bày tỏ về cuộc sống.
- Các gương mặt của Hà Nội xuất hiện như thế nào trong đời sống thơ ca hiện nay, thưa ông?
- Hà Nội là trung tâm của cả nước, nên từ trước đến nay, các nhà thơ tên tuổi hầu hết đều ở Hà Nội. Có thể họ không sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng họ lại tụ hội để sống, làm việc, học tập và tạo nên lực lượng sáng tác thơ đông đảo, sung sức nhất cả nước. Chất thơ của họ rất hiện đại, song chứa đựng trong đó chiều sâu văn hóa tích tụ ngàn năm ở mảnh đất này. Điểm chung của lực lượng sáng tác thơ của Hà Nội là tính đa dạng cao, tiên phong trong đổi mới và cập nhật những vấn đề của thời đại nhanh nhạy, tinh tế.
- Trước thách thức của nhiều hình thức nghệ thuật mới, theo ông, làm thế nào để thơ ca hiện diện và chứng tỏ vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống tinh thần?
- Tôi nghĩ cần có sự hợp lực hành động. Trước hết là những người cầm bút, phải trả lời được vì sao anh viết, viết về điều gì? Có người viết về lòng yêu thương, sự sẻ chia, sự nổi giận lương tâm để bảo vệ những giá trị con người. Có người viết vì đau khổ, thù hận, tuyệt vọng, những tự vấn, chất vấn trước thời đại… Khi anh đã xác định cần phải viết và bước vào viết, anh phải thật tự do, tự cho mình quyền cao nhất trong sáng tạo mới có được tác phẩm chạm đến người đọc và lan tỏa.
Tiếp theo là những người làm công tác quản lý. Nếu mang quan điểm của thời đại trước thì không nhìn thấy giá trị nghệ thuật của thơ ca thời đại này và của tương lai. Vì vậy, người làm công tác quản lý cần có cái nhìn đa chiều và bao quát, rộng mở hơn để chia sẻ và đồng cảm với những người sáng tác thơ, đọc thơ, làm nên đời sống của thơ ca đương đại.
Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi xét và trao giải thưởng hằng năm cho các hội viên và giải thưởng riêng cho các tác giả trẻ. Hội cũng liên tục đăng tải những tác phẩm thơ mới, bình luận thơ trên các ấn phẩm để cổ vũ người sáng tác, tạo cầu nối giữa thơ và độc giả. Khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023, Hội sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về thơ để gọi tên con đường thơ ca, dựng nên chân dung thơ ca hiện nay và xu hướng sáng tác thơ ca Việt Nam.
- Một câu hỏi đôi chút riêng tư, gần đây thấy ông vẽ tranh, viết truyện, rồi viết sách cho thiếu nhi. Không biết ông có còn làm thơ nữa không?
- Tôi vẫn làm thơ, tuy nhiên thú thật có khó khăn hơn. Vì tôi đã sáng tác mấy chục năm rồi, để tìm ra cái mới, một đợt sóng mới vô cùng khó. Hơn nữa, hiện giờ, công việc quản lý hội cũng bận rộn. Song, tôi vẫn dành thời gian cho thơ và có những bản thảo thơ chuẩn bị in. Bây giờ tôi viết ngắn hơn, nhưng vẫn đặt những vấn đề, tìm đến những giá trị khuất lấp bên trong đời sống con người để gọi tên bằng ngôn ngữ. Bất cứ điều gì, dù hiện hữu hay vô hình đều ẩn chứa nội dung mà nhiệm vụ của nhà thơ là nhìn sâu vào và tìm ra những giá trị, ý nghĩa của đời sống nằm trong đó.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.