(HNMO) - Tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đang được Bộ Công an đẩy nhanh, và đến nay cơ bản hoàn thành tiến độ. Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định như vậy tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023 diễn ra chiều 5-5.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, riêng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, như đã thông tin tại các lần họp báo trước, Bộ Công an dự kiến có kết luận điều tra trong quý I-2023. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án khi có quá nhiều vụ án phải tiến hành đồng thời nên Bộ Công an đã đề xuất với Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xin gia hạn điều tra và phấn đấu sẽ có kết luận điều tra vụ Việt Á trong quý II-2023.
Liên quan đến vụ án Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết đây là vụ án do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội tiến hành. Theo báo cáo của Công an thành phố, ngày 5-7-2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản về tội “Lừa dối khách hàng”, theo Điểm d, Khoản 2, Điều 198, Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi đó, cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp ngăn chặn và vẫn cho tại ngoại với ông Lê Thanh Thản.
Đến các ngày 6-8-2019 và 21-10-2019, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố điều tra bổ sung vụ án, trong đó khởi tố thêm 6 cá nhân khác nguyên là cán bộ của quận Hà Đông.
“Đây là vụ án phức tạp nên phải 5 lần điều tra bổ sung và kéo dài từ năm 2019 đến nay. Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội công bố cáo trạng truy tố bị can Lê Thanh Thản cùng 6 cá nhân khác nguyên là cán bộ của quận Hà Đông, gửi tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và dự kiến được xét xử trong tháng 6 tới”, ông Tô Ân Xô cho biết.
Tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin về kết quả bước đầu sau một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06). Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, đây là đề án của Chính phủ, chỉ định Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng Tổ công tác triển khai đề án và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, làm Tổ phó Thường trực Tổ công tác.
Qua một năm thực hiện Đề án 06 đạt được nhiều kết quả tích cực, việc thực hiện môi trường điện tử được thúc đẩy toàn diện trên cơ sở ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử. Hiện nay đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử. Bộ Công an đã đưa 224/224 dịch vụ công trên môi trường điện tử, trong đó có nhiều dịch vụ công tưởng chừng như không thể thực hiện được như cấp hộ chiếu phổ thông, đăng ký xe… nhưng vẫn triển khai được.
“Việc sử dụng hóa đơn điện tử đã hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều. Trong đó sử dụng hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan thuế 10.016 doanh nghiệp, hộ cá nhân gồm 1,7 triệu hóa đơn, giúp cơ quan thuế truy thu hơn 4,9 tỷ đồng. Việc xác thực làm sạch 18 triệu thông tin tín dụng giúp ngành ngân hàng tiết kiệm được 333 tỷ đồng; xác thực các thông tin thuê bao giúp nhà mạng tiết kiệm được 143 tỷ đồng”, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Tuy nhiên, Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho rằng, việc triển khai Đề án 06 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, như: Về thể chế; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhiều nơi chưa đáp ứng được; người dân còn gặp khó khăn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến vì nhiều nguyên nhân khác nhau… Do vậy, các cơ quan truyền thông cần thông tin đầy đủ, đa chiều về kết quả cũng như những khó khăn của Đề án 06 để người dân đồng thuận thực hiện trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.