(HNM) - Câu chuyện được phát trên truyền hình về một người nông dân ở Philippines tên là F.Bedro. Một năm trước, một cơn bão đã phá hủy tất cả ruộng lúa nơi Bedro sinh sống khiến anh mất hết mọi thứ, không thể trả được nợ, đành phải tìm công việc khác.
Ba tháng sau, anh làm việc trong một công trường xây dựng. Đời sống công nhân cực nhọc, bấp bênh không kém và anh lại về với nghề nông. Nhưng lần này anh tham gia vào một hợp tác xã ở địa phương, nơi tất cả xã viên quyết định mua bảo hiểm để phòng ngừa các thiệt hại do thời tiết gây ra. Đến giờ Bedro hồ hởi tuyên bố rằng sẽ không bao giờ phải xa rời ruộng lúa của mình một lần nữa và cũng không phải nghĩ đến chuyện tìm việc làm khác.
Rõ ràng nếu không mua được bảo hiểm thiên tai có lẽ Bedro đã không tự tin như vậy. Bảo hiểm nông nghiệp không phải chuyện xa lạ với thế giới. Mỹ, Nga, Canada là những nước áp dụng rộng rãi loại hình dịch vụ này, qua đó giúp người nông dân gắn bó với đồng ruộng. Tại Mỹ có tới hơn 80% cây trồng được bảo hiểm thiên tai. Tất nhiên đây là lĩnh vực kinh doanh mang lại ít lợi nhuận, thậm chí khả năng rủi ro cao với các doanh nghiệp bảo hiểm, rất cần sự hỗ trợ về cơ chế của chính phủ. Ở Mỹ, Bộ Nông nghiệp nước này trợ cấp mỗi năm hơn 1 tỷ USD cho các công ty bảo hiểm nông nghiệp để họ bán các sản phẩm bảo hiểm cho nông dân với giá rẻ.
Ở nước ta, khi bão đi qua là lúc người ta lại thấy các ruộng lúa, vườn cây ở miền Bắc, miền Trung ngập nước hoặc trơ trụi, không kịp thu hoạch khiến công sức người nông dân "đổ xuống sông xuống biển". Sau mỗi lần thiệt hại như vậy, sẽ có bao nhiêu người còn muốn gắn bó với nghề nông, vốn là ngành sản xuất chính ở nước ta? Nếu nông dân ta cũng được mua bảo hiểm như anh nông dân Bedro chắc mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều công ty bảo hiểm tham gia lĩnh vực này. Thập niên 80 thế kỷ trước Bảo Việt đã thực hiện kinh doanh trên lĩnh vực này, nhưng sau 15 năm đã ngừng lại vì không có lãi. Hiện tại, ước tính chỉ có 1% diện tích cây trồng tại Việt Nam được bảo hiểm thiên tai, quá ít so với nhu cầu của người nông dân. Chính phủ đã đề ra chủ trương ưu đãi các nghiệp vụ bảo hiểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Đề án "Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010-2012" cũng đã được xây dựng nhưng vấn đề quan trọng vẫn là doanh nghiệp nào sẽ vì cộng đồng, tham gia để chung tay giúp người nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.