(HNM) - Hiện nông dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa để triển khai canh tác cây vụ đông. Để các địa phương chủ động trong sản xuất, đặc biệt là những vùng trồng ngô, Sở NN&PTNT giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng ngô trên chân đất sản xuất hai vụ lúa.
Theo đó, thời vụ trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa phù hợp nhất trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 25-9 và có thể kéo dài thời gian đến 5-10 dương lịch, nhưng phải trồng bằng bầu. Tùy vào điều kiện khí hậu, thời tiết cụ thể từng năm, để ngô đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro… tùy theo từng giống các địa phương triển khai canh tác bảo đảm đúng khung thời vụ.
Trong sản xuất vụ đông, bà con nên canh tác các giống ngô có thời gian sinh trưởng từ 100 đến 110 ngày. Ngoài ra, sử dụng các giống ngô đạt các tiêu chuẩn: Bộ rễ chân kiềng khỏe, chống đổ ngã tốt; chịu trồng được mật độ cao, có tán lá gọn; khả năng kết hạt tốt; có khả năng chịu hạn, lạnh và chống chịu sâu bệnh tốt. Cụ thể là các giống ngô lai: VS36, NK4300, P4199, CP333… Nếu dùng ngô làm thực thẩm thì nên trồng các giống ngô nếp có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt (MX2, MX4, MX6, MX10, VN2, Wax 44, Wax 48, Wax 50, Milky 36, tím dẻo 926, Victory 924, HN88...), nhóm ngô đường (Sugar 75, Sugar 77, Hoa Trân 1357, Golden Sweteer 93...).
Đối với đất trồng ngô đông, ngay khi thu hoạch lúa cần cắt sát gốc rạ. Toàn bộ lượng rạ để lại ruộng dùng để che phủ đất (có tác dụng giảm lượng nước bốc hơi, giữ ẩm cho ruộng trồng, đồng thời hạn chế cỏ dại). Ruộng trồng độ ẩm yêu cầu tốt nhất từ 85 đến 90% (đi lún chân). Nếu ruộng khô cần tưới nước cho đủ ẩm, sau đó mới tiến hành trồng. Khi trồng phải tạo rãnh trên ruộng bằng cách áp dụng máy cơ giới hóa sẽ giảm chi phí công lao động. Nếu ruộng dễ thoát nước thì cứ 5-6 hàng tạo 1 rãnh; với ruộng khó thoát nước cứ 3-4 hàng tạo 1 rãnh thoát nước. Độ sâu của rãnh thoát 18-20cm, bề mặt rãnh 15-20 cm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.