Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong luồng gió nóng

Vân Khanh| 18/03/2011 07:05

(HNM) - Đó là những cơn gió tại Trung Đông và Bắc Phi đang nhanh chóng hợp sức tràn tới Bahrain. Những đốm lửa phản kháng tưởng chừng đã dịu bớt sau nhiều quyết định thỏa hiệp của Manama đã đột ngột bùng cháy dữ dội trong mấy ngày qua và khiến đảo quốc nhỏ bé nhất vùng Vịnh trở thành tâm chấn mới của trận động đất chính trị lịch sử đang rung chuyển thế giới Arab.

Sự hiện diện đầy bất ngờ của hơn 1.000 binh sĩ Arab Saudi và 500 cảnh sát Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại quốc đảo này trong tuần đã khiến câu chuyện Bahrain có thêm những tình tiết ngoài dự đoán. Với Manama, việc phải cậy nhờ đến sự trợ giúp bên ngoài để bảo đảm an ninh là chỉ dấu rõ ràng cho thấy bất ổn tại đất nước có diện tích vỏn vẹn gần 700km2 đã chuyển sang một cấp độ khiến chính phủ đang lung lay của Thủ tướng Khalifa bin Salman Al Khalifa phải lo ngại. Còn với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), chuyến vượt biển chưa từng được nhắc đến như một lựa chọn hàng đầu cũng đã đánh dấu sự thay đổi vai trò đáng kể của lực lượng này. Cho dù từng xuất quân để hỗ trợ ổn định an ninh tại Kuwait trong cuộc chiến Iraq năm 2003 và cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990-1991 của thế kỷ trước, nhưng chưa bao giờ GCC thể hiện sự đoàn kết nội khối bằng cách bảo vệ một chính phủ thành viên trước sự phẫn nộ của chính những người dân nước đó. Hành động khác thường của GCC đã gây không ít ngỡ ngàng cho cộng đồng quốc tế nhưng không quá khó để giải mã. Giống như Bahrain, các chính phủ của 5 thành viên còn lại thuộc GCC là UAE, Kuwait, Oman, Arab Saudi và Qatar đều theo dòng Hồi giáo Sunni. Vì thế, đã có không ít lo ngại rằng một sự rạn nứt nào đó trong hệ thống chính trị ở Bahrain cũng là ẩn họa tiềm tàng có khả năng gây đổ vỡ cho hệ thống quyền lực ở những quốc gia đang cùng hội cùng thuyền. Do đó, cũng không phải ngẫu nhiên mà Arab Saudi lại đóng góp sức người nhiều nhất cho lực lượng "tình nguyện" này. Riyadh thực chất đang phòng ngừa cảnh cháy thành vạ lây, khi cơn giận dữ đường phố tại nước láng giềng chỉ cách quốc gia giàu có này một con vịnh hẹp có thể sẽ kích động sự bất mãn của một số người Arab Saudi theo dòng Shiite, lực lượng đang dẫn đầu phong trào đòi cải cách ở Bahrain.

Đó cũng là lý do khiến dư luận quốc tế lo ngại rằng động thái triển khai quân của GCC đến quốc đảo nhỏ bé chỉ có gần 700.000 dân sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp và thổi bùng những căng thẳng tôn giáo vốn đã tồn tại dai dẳng tại đây. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chính trị ở Bahrain không hoàn toàn giống với những gì đang diễn ra tại một số nước Bắc Phi và Trung Đông khác. Đây là sự phản kháng của đa số người dân theo dòng Shiite chiếm khoảng 60 đến 70% dân số Bahrain nhưng bị phân biệt đối xử tại đất nước do Quốc vương và chính phủ thuộc gia tộc Al-Khalifa theo dòng Sunni cầm quyền. Vì lẽ đó, sự can dự trực tiếp của quân đội nước ngoài được xem là yếu tố rất nhạy cảm đối với xã hội Bahrain vào thời điểm hiện nay. Vài ngày qua, các cuộc biểu tình phản đối sự có mặt của đội quân GCC và xem đó là hành động chiếm đóng cho thấy tình hình ở đảo quốc trên vịnh Ba Tư đang có chiều hướng bạo lực hơn. Dòng người giận dữ phong tỏa nhiều con đường, trung tâm thương mại, đụng độ với lực lượng an ninh... ở thủ đô Manama đã buộc Quốc vương Hamad ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng và sau đó là lệnh giới nghiêm tại Quảng trường Trân Châu từ ngày 16-3. Người ta lo ngại cú tiếp sức của GCC sẽ là quả bom hẹn giờ cho cuộc xung đột phe phái gay gắt hơn nữa giữa hai cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite ở quốc gia vùng Vịnh. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng chỉ trích quyết định triển khai quân đến Bahrain là đi sai đường và thực tế không có chỗ cho giải pháp an ninh mà phải giải quyết thông qua thương lượng.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã chính thức lên tiếng kêu gọi kiềm chế tại quốc gia hiện là nền tảng trong chiến lược của Mỹ tại khu vực. Với vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, Bahrain hiện là nơi đóng quân của Hạm đội 5, cho phép Mỹ triển khai 15 tàu chiến và tàu sân bay ngay giữa trung tâm Vịnh Persian. Nằm ngoài khơi Arab Saudi và Iran, đảo quốc nhỏ bé này đã tạo cho Washington một căn cứ hoàn hảo vừa có thể bảo vệ dòng dầu tại vùng Vịnh, để mắt đến Iran và phong tỏa ảnh hưởng của phương Tây đến các vương quốc trong khu vực. Do vậy, một sự chuyển tiếp chính trị tại Bahrain nếu diễn ra sẽ thực sự là cú sốc với Mỹ. Và để sắp xếp lại bàn cờ Trung Đông đang có những xáo trộn ngoài dự kiến, Washington có thể sẽ phải mất nhiều thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong luồng gió nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.