Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong khó khăn vẫn tràn đầy hy vọng

Nguyễn Sỹ Thành Vinh| 17/08/2014 06:35

(HNM) - Bằng tiếng Nga chưa được thuần thục lắm, những người Việt cùng chia sẻ những thông tin chính trị tại Ukraine, thứ mà mới chỉ vài tháng trước đây họ chẳng bao giờ để ý.



Bằng tiếng Nga chưa được thuần thục lắm, những người Việt cùng chia sẻ những thông tin chính trị, thứ mà mới chỉ vài tháng trước đây họ chẳng bao giờ để ý. Giờ thì họ theo dõi hằng ngày, bằng mọi cách, bởi những tin tức này đang ảnh hưởng lớn trực tiếp tới "nồi cơm" của mình.

10h sáng nhưng Trung tâm thương mại Barbasova vẫn vắng khách.


Nói về Trung tâm thương mại Barbasova, kể từ khi xây dựng vào năm 1995, nơi này đã trở thành khu vực làm ăn buôn bán chính của nhiều người Việt đang sinh sống tại Kharkov. Bà con ở đây làm đủ mọi việc, miễn là hợp pháp và kiếm được tiền như: dịch vụ chuyển hàng, tiền, vận tải, bán vé máy bay, cho đến cắt tóc, hàng ăn và thậm chí bán nước dạo. Dù trong Barbasova có đầy đủ các gian hàng của cả người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab hay người da đen gốc Phi, nhưng tiếng Việt được coi là ngôn ngữ phổ thông thứ ba sau tiếng Nga và Ukraine. Bạn có thể giao tiếp thoải mái mà không ai phàn nàn.

Trở lại với câu chuyện về anh Huy, vợ chồng anh chị từng làm việc ở Ukraine theo Hiệp định hợp tác Việt Nam - Liên Xô từ những năm 80 của thế kỷ trước. Số phận đã gắn kết họ cùng hàng nghìn đồng hương với mảnh đất hiền hòa này. Cũng như nhiều người Việt khác, với bản tính tần tảo chịu khó, công việc kinh doanh mặt hàng giày dép, quần áo tại Barbasova đã giúp anh chị có một cuộc sống khá ổn định nơi đất khách quê người. Anh Huy cho biết, thông thường, giờ mở cửa của Barbasova là từ 6h đến 16h hằng ngày. Khi khủng hoảng chưa xảy ra, khoảng 8h sáng là hoạt động mua bán, trao đổi đã tấp nập lắm rồi. Khách hàng của anh Huy và cả khu thương mại này, đến từ nhiều nơi nhưng chủ yếu là từ các tỉnh miền Đông Nam nước Nga và vùng lân cận như Donbass đang chiến sự của Ukraine. Thế nhưng, kể từ sau khi phong trào đòi ly khai ở miền Đông Ukraine bùng phát, việc đi lại không còn dễ dàng cộng với việc thắt chặt chi tiêu của người dân khiến việc buôn bán trở nên trầm lắng. Những khách hàng mua lẻ người địa phương cũng vắng đi nhiều.

Đã 10h sáng nhưng khu chợ thương mại rộng gần trăm héc ta, lớn nhất nhì Đông Âu này vẫn vắng vẻ, chỉ có một vài khách mới lác đác tới các "công" (tên mà người Việt quen gọi quầy hàng của họ. Tên này xuất phát từ khi gian hàng được làm từ các container thời những năm 1990). Trước biến cố chính quyền của Tổng thống Vicktor Yanukovich bị lật đổ, để có thể sở hữu một cái "công" thế này, anh Huy phải gom góp tới cả trăm nghìn USD và mạnh tay "chơi" tới 2 "công". Theo anh Huy, "công" của anh là loại bình thường, có những cái vị trí "đẹp" có khi có giá gấp 2-3 lần. Nhiều đồng hương của anh có vài, thậm chí hàng chục "công" như thế hoặc nhiều hơn. Giờ đây thì những gian hàng này có giá "bèo" đến mức chẳng ai muốn hỏi han, mua bán. Thậm chí, có người buộc phải "bỏ của chạy lấy người" vì không chịu nổi tiền đóng phí hằng tháng cho chủ chợ vì hàng hóa ế ẩm. Anh Huy chia sẻ với giọng đượm buồn: "Để giảm bớt chi phí, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, anh và vợ phải trực tiếp lấy hàng từ kho, bày xếp và đứng bán cả 7 buổi trong tuần thay vì thuê nhân viên bản địa như trước đây".

Cộng đồng Việt Nam ở Kharkov là một trong những cộng đồng người Việt lớn nhất ở Ukraine - khoảng 5.000 người - được tổ chức, quản lý chặt chẽ và khá thành công. Nhiều doanh nghiệp lớn của người Việt được hình thành từ đây. Trong giai đoạn khó khăn này, một số người đã chuyển đổi hình thức kinh doanh. Cũng có một số người tạm thời đóng cửa hàng về Việt Nam chờ thời.

Dù chặng đường sắp tới còn nhiều trở ngại, còn nhiều lo âu, nhưng tôi nhìn thấy trong ánh mắt anh Huy cũng như nhiều đồng bào của tôi ở nơi "trên là trời, dưới là hàng hóa" này một niềm lạc quan vào tương lai. Họ tin rằng hòa bình sẽ sớm trở lại. Còn tôi tin công việc kinh doanh của họ sẽ sớm ổn định, tin vào sự chăm chỉ, cần kiệm và khả năng vượt khó của người Việt. Bên cạnh đó, Ukraine là nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đất đai phì nhiêu vào bậc nhất thế giới. Chỉ cần thoát khỏi khủng hoảng là không thiếu cơ hội phát triển. Chưa hết, đằng sau họ luôn có sự ủng hộ của những người thân nơi Tổ quốc - Việt Nam. Đây là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp họ có thể vượt qua mọi khó khăn ở đất nước mà lâu nay họ vẫn coi là quê hương thứ hai của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trong khó khăn vẫn tràn đầy hy vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.