(HNM) - Hiện nay, huyện Sóc Sơn có hơn 160ha diện tích trồng hoa bao gồm hoa nhài và các loại hoa khác. Trong tương lai gần, Sóc Sơn sẽ là đô thị nông nghiệp mà trọng tâm là hoa, cây cảnh cao cấp.
Nhiều làng hoa truyền thống của Hà Nội bị mai một do quá trình đô thị hóa đang được chuyển dịch mạnh về đây. Tuy nhiên, để cây hoa phát triển, đứng vững trên đồng đất này rất cần một tầm nhìn chiến lược, một tình yêu hoa và tâm huyết của người nông dân.
Quy mô nhỏ, manh mún
Vườn hoa ly phục vụ Tết của gia đình anh Nguyễn Văn Lợi ở xã Xuân Giang (Sóc Sơn). Ảnh: Ngọc Minh
Huyện Sóc Sơn có nhiều diện tích đồi gò, giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp để phát triển công nghiệp… Sóc Sơn là một trong những huyện của thành phố Hà Nội quan tâm đến việc phát triển nghề trồng hoa và coi đây như một hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên hiện nay phong trào này vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Vậy làm thế nào để nông dân Sóc Sơn có việc làm mới phù hợp "ly nông bất ly hương"?
Mới đây, chúng tôi đến thăm mô hình trồng hoa cao cấp của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Lợi, ở thôn Xuân Tảo, xã Xuân Giang mới thấy hết được giá trị kinh tế từ nghề trồng hoa của nông dân huyện Sóc Sơn. Anh Lợi tâm sự: Từ một người chuyên buôn hoa, anh quyết tâm học bằng được nghề trồng hoa để về trồng trên đồng đất quê hương. Sau hơn 10 năm gắn bó với nghiệp trồng hoa, đến nay gia đình anh đã có 2 mẫu ruộng rải rác 3-4 nơi, nhưng tất cả các vườn hoa đều được làm nhà khung có lưới che chuyên trồng các loại hoa cao cấp như hoa ly, hướng dương, phăng xê, hoa loa kèn... riêng hoa ly cho lãi suất gấp đôi so với các loại hoa truyền thống. Tết Canh Dần 2010 này gia đình anh bán từ 30 - 40.000 đồng/cành hoa ly. Ngoài trồng hoa, gia đình anh Lợi còn cung ứng giống hoa ly cho nhiều chủ vườn khác. Trung bình mỗi sào hoa, trừ chi phí gia đình anh cũng thu lãi 60-70 triệu đồng, riêng hoa ly lãi hơn 100 triệu đồng/sào/năm. Trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng xã Xuân Giang mới có gia đình anh Lợi và rất ít người tham gia. Đứng trên đê sông Cà Lồ (đoạn thôn Xuân Tảo) nhìn xuống cánh đồng Réo xa xa, khu vực trồng hoa của gia đình anh Lợi lọt thỏm giữa những ruộng rau bắp cải, su hào và cả những cánh đồng trơ gốc rạ...
Cần cú hích để bứt phá
Hiện nay, việc cắm hoa, chơi hoa là một thú vui tao nhã và ngày càng trở thành nhu cầu rất lớn của người dân. Theo các chủ kinh doanh hoa, cây cảnh thì hiện nay phần lớn các loại hoa cao cấp trên địa bàn Hà Nội chủ yếu đưa từ Đà Lạt và nhập khẩu từ nước ngoài về... vì vậy việc trồng hoa cao cấp ở các huyện ngoại thành bao giờ cũng đắt hàng. Đây là một lợi thế rất lớn cho các huyện ngoại thành như Sóc Sơn phát triển nghề trồng hoa cao cấp.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn mới có hơn 160ha hoa các loại và hàng trăm vườn cây cảnh, trong đó hoa nhài 134ha, hoa cao cấp mới chiếm diện tích rất ít, còn lại chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc... Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết: Mục tiêu của huyện là mở rộng diện tích trồng hoa cao cấp, cây cảnh lên khoảng trên 100ha ở các xã Xuân Giang, Nội Bài... nơi sản xuất 2 vụ lúa cho năng suất kém và một phần đất lưu không (không dùng để phát triển CN, dịch vụ...) thuộc ven ngoài sân bay Nội Bài. Anh Nguyễn Kỳ Hồng, ở xã Nội Bài cho biết: Đặt chân xuống khu vực sân bay quốc tế Xingapo, Thái Lan, thấy rực rỡ hoa tươi, như vậy ắt khu vực sân bay Nội Bài không thể không trở thành những thảm hoa lộng lẫy, sẽ cho nhiều giá trị thiết thực vừa đem lại giá trị cao cho nông dân, vừa tạo cảnh quan đẹp cho Thủ đô.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Sóc Sơn cần có tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao, bởi nông dân ở khu vực này đời sống thu nhập từ dịch vụ, CN cao nên ít tha thiết với nông nghiệp. Mặt khác, trồng hoa là một nghề đòi hỏi sự tận tâm, tỉ mỉ và chuyên nghiệp, nếu nông dân làm bán nông nghiệp khó có thể trụ vững ở lĩnh vực này. Khó khăn trong việc sản xuất hoa cao cấp là vốn đầu tư ban đầu cao, hiệu quả kinh tế của việc trồng hoa trong 1, 2 năm đầu không rõ ràng, trồng hoa có thời gian chờ thu hoạch dài ngày hơn trồng lúa, vì những nguyên nhân đó nên nhiều hộ nông dân chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên để đầu tư trang thiết bị, vật tư cho một sào hoa cao cấp chi phí từ 150-200 triệu đồng, không phải người nông dân nào cũng có vốn. Mặt khác, trồng hoa là một nghề phải được đào tạo, chuyển giao cách trồng, chăm sóc... nên không phải nông dân nào cũng làm được. Và trong khi mỗi năm nhà anh Lợi có thu vài trăm triệu đồng từ nghề trồng hoa cao cấp thì có những diện tích vẫn còn bỏ ruộng đất trống rất lãng phí hoặc mỗi năm chỉ cấy 2 vụ lúa, năng suất lúa đạt từ 42-45 tạ/ha/vụ.
Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh là một hướng đi thích hợp có nhiều triển vọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở Sóc Sơn. Để nghề trồng hoa, cây cảnh ngày càng phát triển cần có các chính sách ưu đãi hỗ trợ giống, đất đai, đầu tư khoa học kỹ thuật cho các hộ trồng hoa, cũng như công tác quy hoạch để phát triển làng hoa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.