(HNM) - Trong cuộc sống hiện đại, khi nhiều người đã công nhận hoạt động giáo dục là một dịch vụ và việc “trò chấm điểm thầy” đã trở thành thường xuyên ở các trường đại học, thì truyền thống “tôn sư, trọng đạo” cũng được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, thay vì chỉ mang tính một chiều, coi người thầy ở vị trí không thể chịu sự “đánh giá” của học trò.
Gần gũi không làm giảm uy nghiêm
Trong bối cảnh các thiết bị công nghệ có thể len lỏi cập nhật mọi mặt của cuộc sống theo từng giây tới mỗi cá nhân, hình ảnh của người thầy thời hiện đại đã trở nên gần gũi hơn với học trò.
Mỗi mùa tuyển sinh, các em học sinh lại ngóng chờ những “new feed” (thông tin mới) nóng hổi từ trang Facebook của một thầy giáo già, nơi các em có thể nắm được những thông tin hữu ích và kinh nghiệm thi cử mà thầy chia sẻ với cương vị là một chuyên gia tuyển sinh lâu năm. Cộng đồng sinh viên cũng khá quen thuộc với một thầy giáo trẻ, người đã lập ra trang “hâm mộ” (fanpage) mở ra cơ hội kết nối tới cả những học sinh ở các vùng xa xôi cùng nhiều bài học quý rất cần cho giới trẻ về kỹ năng sống. Nhiều học sinh đã bày tỏ niềm ước ao có được thầy hiệu trưởng tâm lý, năng động như vị hiệu trưởng ở một trường THPT tại Hà Nội, người không ngại ngần làm tươi mới không khí khai trường, xóa đi khoảng cách thầy - trò bằng một màn nhảy sôi động. Những sự gần gũi này không những không làm mất đi tính uy nghiêm của nhà giáo mà còn tạo nên một không khí cởi mở, dân chủ, thúc đẩy sự sáng tạo và trao đổi tri thức - một hoạt động cốt yếu của giáo dục.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Tuy nhiên, cùng với những camera điện thoại có thể ghi lại và phát tán mọi góc khuất của cuộc sống, những hình ảnh đáng buồn về người thầy cũng lan truyền rộng rãi hơn. Bất cứ ai dùng internet đều có thể từng chứng kiến cảnh một giáo viên đánh học trò hay các hình thức ép học thêm, thu tiền ngoài quy định được đưa lên mạng xã hội ngay sau khi sự việc xảy ra… Những hiện tượng cá biệt này ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh người thầy, khiến tinh thần “tôn sư, trọng đạo” phần nào bị mai một.
Một trong những hệ quả dễ thấy nhất là tình trạng phản ứng ngược của giới trẻ ngày nay với những quy định mang tính ràng buộc, những bài học đạo đức và nhân văn. Bản thân người thầy, giữa muôn vàn áp lực từ cuộc sống cũng ít nhiều không khỏi cảm thấy sự “trọng đạo” đã nhạt nhòa khi lòng “tôn sư” giảm sút.
Sinh viên đánh giá giảng viên - áp lực tích cực
Giữa những áp lực dễ khiến nhà giáo nản lòng, có một áp lực tích cực đang hiện hữu để giúp những nhà giáo chân chính soi lại mình và củng cố niềm tin cho người học. Đó là hoạt động “sinh viên đánh giá giảng viên” trong các trường đại học. Bắt đầu triển khai từ năm 2009, đây được coi là sự đột phá trong tiến triển của mối quan hệ thầy - trò từ xưa đến nay.
Bộ GD-ĐT không đưa ra mẫu chung để “chấm điểm giảng viên” mà chỉ đưa ra các phương diện đánh giá để các trường linh hoạt thực hiện như: Công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên; học liệu phục vụ giảng dạy, học tập và thời gian giảng dạy của giảng viên; trách nhiệm và sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học; khả năng của giảng viên trong việc khuyến khích sáng tạo và tư duy độc lập của người học trong quá trình học tập; sự công bằng của giảng viên trong kiểm tra đánh giá quá trình và đánh giá kết quả học tập của sinh viên; năng lực của giảng viên trong tư vấn và tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của người học và tác phong sư phạm của giảng viên.
Ban đầu, khi chủ trương “sinh viên đánh giá giảng viên” ra đời, không ít người đã e ngại với từ “đánh giá”, cho rằng đó là từ nhạy cảm, không phù hợp với văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt. Một cụm từ thay thế là “lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên” được cho là dễ chấp nhận hơn, về sau đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều trường. Hoạt động “trò chấm điểm thầy” phải mất khá nhiều thời gian mới thực sự được triển khai bài bản ở các trường và không khỏi vấp phải những suy nghĩ coi sinh viên vẫn là những đứa trẻ, không có khả năng đưa ra những đánh giá chính xác, khách quan. Ban đầu, có trường không để tên giảng viên trong phiếu lấy ý kiến, nội dung khảo sát chỉ chung chung về môn học, khóa học. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động này đã trở thành nếp, được tổ chức bài bản và có tính khoa học. Việc lấy ý kiến có thể được thực hiện qua mạng, sinh viên một số trường phải hoàn thành phiếu đánh giá mới có thể xem được kết quả học tập định kỳ…
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Ngành Giáo dục đang thực hiện những bước đổi mới về cả mục tiêu và cách tiếp cận theo đúng tinh thần trên. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hoạt động “sinh viên đánh giá giảng viên” là biện pháp góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là một kênh thông tin để giúp giảng viên có thể tự điều chỉnh hoạt động giảng dạy, góp phần vào công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Xã hội cũng đang dần có nhận thức đúng để hoạt động “trò chấm điểm thầy” thực sự mang lại lợi ích cho nhiều phía và vẫn nguyên vẹn giá trị thiêng liêng của tình thầy trò truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.