Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Trong 3 giờ đồng hồ, có 14 xe lợn béo được xuất sang Trung Quốc"

Theo Infonet| 19/12/2015 20:40

Lên Cao Bằng, ngồi quan sát trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tôi thấy có 14 xe chở lợn béo xuất khẩu sang Trung Quốc”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lưu ý về tình hình xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch.


Tại cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu Tết Nguyên đán 2016 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương ngày 18/12, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đối với các sản phẩm chăn nuôi, trong 11 tháng đầu năm 2015 có xu hướng giảm nhẹ.

Giá lợn hơi liên tục giảm từ mức 46.000-51.000 đồng/kg xuống còn 40.000-44.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp lông giảm từ 35.000-37.000 xuống còn 24.000-25.000 đồng/kg; giá trứng gia cầm khi tăng mạnh vào cuối tháng 7 và 8 thì nay cũng giảm.

Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi vẫn có lãi nên đang tích cực tái đàn phục vụ vào dịp Tết sắp tới.


Lãnh đạo Cục Chăn nuôi lưu ý về tình hình xuất lợn theo đường tiểu ngạch, nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu mua thịt lợn tăng cao. Ảnh minh họa

Dù vậy, ông Chinh lưu ý về tình hình xuất lợn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc: “Lên Cao Bằng, ngồi quan sát trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tôi thấy có 14 xe chở lợn béo xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Theo ông Chinh, việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch này giúp nông dân bán sản phẩm với giá cao, nhưng do không được đưa vào con số thống kê nên cần lưu ý để chỉ đạo, nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu mua thịt lợn tăng cao.

Về thịt trâu bò, cùng với việc tăng đàn trâu bò ở trong nước năm nay chúng ta nhập trên 347.000 con trâu bò sống về nuôi, hiện đang sẵn sàng giết mổ và cung ứng ra thị trường với giá cả và chất lượng khá tốt.

Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là việc kiểm soát dịch bệnh và nhập lậu gia súc, gia cầm, tránh gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Theo thông tin từ lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện nay ngoài việc nhập lậu trâu bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan về thì có hiện tượng dắt bò từ Ấn Độ đi qua các nước về Việt Nam. Mỗi lần họ dắt từ vài chục con, đi vài tháng về đến Việt Nam, họ giao cho người dân nuôi một thời gian rồi giết mổ. Nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Riêng giá rau xanh tăng liên tục từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 đến nay do thời điểm bắt đầu vào vụ Đông, mưa lớn tại miền Trung kéo dài, nhiều vùng trồng rau bị hư hại nặng; trong khi đó một số diện tích rau thuộc đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ cung cấp cho các thành phố lớn bị khô hạn đã ảnh hưởng đến sản xuất rau vụ Đông.

Cùng với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đã đẩy giá rau xanh lên cao. Tuy nhiên, nếu không có biến động lớn về thời tiết, khí hậu thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp cuối năm 2015. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 10 năm 2015, diện tích gieo trồng rau cả nước ước đạt 818.000 ha, bằng 95% so với kế hoạch năm 2015 và thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000ha.

Việc đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm dồi dào cho người dân tiêu dùng dịp Tết thì vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quan tâm, chú ý.

Với định hình xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn, hiện đã xây dựng được 74 mô hình rau, thịt an toàn ở 43 địa phương. Dự kiến, ngày 20.12, Sở NN&PTNT sẽ công bố 6 chuỗi thực phẩm an toàn (3 chuỗi với thịt, 3 chuỗi với rau) trên địa bàn, đồng thời tiến hành xác nhận sản phẩm an toàn và ngày 23.12 sẽ tiến hành xác nhận, dán nhãn sản phẩm an toàn, đưa vào các hệ thống siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng nhận định, các mặt hàng đường, gạo, muối có nguồn cung ổn định, dồi dào nên sẽ không có biến động lớn về giá, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước vào trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Trong 3 giờ đồng hồ, có 14 xe lợn béo được xuất sang Trung Quốc"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.