(NSHN) - Chiều 8-6, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) quận Tây Hồ tổ chức hội thảo với chủ đề sửa đổi, bổ sung quy chế thực hiện QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và quản lý trật tự xây dựng - đô thị trên địa bàn quận.
Thống kê của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC quận Tây Hồ cho thấy, trong những năm qua, việc thực hiện QCDC trong lĩnh vực GPMB và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần bảo đảm và phát huy quyền của nhân dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Kết quả từ tháng 8-2018 đến tháng 5-2023, toàn quận đã cấp 2.907 giấy phép xây dựng trên tổng số 2.920 công trình xây dựng mới, đạt tỷ lệ 99,55%; 100% công trình xây dựng đã được thiết lập hồ sơ trật tự xây dựng để quản lý.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, do hệ thống văn bản quản lý nhà nước liên quan đến vấn đề dân sinh liên tục thay đổi và bổ sung; một số nội dung trong quy chế không còn phù hợp với quy định của pháp luật đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến người dân và công tác quản lý của chính quyền quận và phường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều bài tham luận tập trung vào các nội dung: Vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quận tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện QCDC trong công tác GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn quận; công tác phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của UBND quận và UBND phường trong việc xác định nguồn gốc đất để thực hiện GPMB xây dựng dự án; công tác phối hợp tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình công khai và cung cấp thông tin đối với các quy hoạch đã được phê duyệt để nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra…
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền thuộc quận thời gian tới tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở; xác định việc thực hiện QCDC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.