Người ta thường nói, "một đời người hai lần trẻ con" với hàm ý rằng, khi già đi, con người giống như quay lại thời trẻ con, vô lo vô nghĩ và muốn được quan tâm nhiều hơn...
Những câu chuyện xúc động được phóng viên Báo Hànộimới ghi lại ở các mái ấm trung tâm dưỡng lão trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cho thấy rõ nhất điều đó, với những cung bậc tràn đầy cảm xúc, những khoảnh khắc chan chứa tình yêu thương như trong một gia đình...
Những câu chuyện xúc động
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hiện nay, ở các trung tâm dưỡng lão trên địa bàn Hà Nội đã, đang tạo nên được những đặc tính riêng biệt cho dịch vụ chăm sóc người cao tuổi từ chất lượng phục vụ, môi trường thân thiện, ấm cúng đến việc nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Bằng sự tận tụy, kỹ năng thành thạo, các y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên đã hướng dẫn người cao tuổi làm quen với chế độ sinh hoạt, tập luyện điều độ, khoa học, phù hợp với tình trạng sức khỏe và giúp họ duy trì, hồi phục sức khỏe một cách tốt nhất.
Đặc biệt, khi nhận nhiệm vụ chăm sóc người già, vượt qua khỏi một khái niệm nghề, các điều dưỡng viên đã hóa thân thành những vai diễn phù hợp, tạo sân chơi ý nghĩa cho người cao tuổi... Với những cử chỉ, đức tính nhân ái, nhẫn nhịn, nhã nhặn và nhẹ nhàng, các điều dưỡng viên đã góp phần đem lại cho người cao tuổi một không gian sống an lành, hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình làm điều dưỡng của chị Phạm Thị Vóc (Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng) là có lần bị một cụ bà khó tính cấu, véo, giật tóc mà không dám phản kháng. Đó không chỉ là kỷ niệm khó quên khi mới chập chững bước chân vào nghề, mà còn là bước ngoặt khiến chị thêm chững chạc.
Chị Vóc nhớ lại khi đó vừa cho cụ bà uống sữa và thay bỉm, chị chuẩn bị quay đi thì bị cụ giật tóc, liên tục cào cấu vào cánh tay. Dù đau đớn nhưng không dám phản kháng, vì chị biết nếu làm vậy sẽ gây phản ứng ngược, cho cụ cảm giác bị bạo hành. Lúc này, chị Vóc đành "cầu cứu" một cụ bà ở bên cạnh làm liệu pháp tâm lý, giúp cụ bà dần hạ cơn cáu giận và từ bỏ hành vi... Dù hai cánh tay bị xây xát, chị vẫn nhẹ nhàng xin lỗi, trấn an cụ.
“Bước chân ra hành lang, tôi gục xuống khóc nức nở... Hiểu rõ các cụ già không còn minh mẫn nhưng đó là tình huống khiến tôi muốn bỏ nghề ở ngay thời điểm đó”, chị Vóc nhớ lại.
"Ai rồi cũng trải qua những "trái ngọt" mà nghề đem lại” - câu nói càng ngẫm càng thấy đúng khi được các đồng nghiệp động viên, nhờ vậy, chị Vóc đã vượt qua khó khăn và gắn bó với nghề cho đến nay. Ở Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng hiện nay, chị Vóc giờ là một trong những "người bạn" không thể thiếu của các cụ già trong đời sống hằng ngày.
Với điều dưỡng Nguyễn Thị Mùi, môi trường làm việc ở Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng không chỉ là điều trị, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho bệnh nhân mà có hàng chục công việc lặt vặt, tỉ mỉ khác, từ chuẩn bị bữa ăn đến thay bỉm, băng vết thương, vệ sinh cá nhân, đo huyết áp, thăm khám sức khỏe... Các điều dưỡng viên cũng kiêm thêm vai trò của bác sĩ tâm lý khi tâm sự, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với các cụ...
Cho đến nay, dù bà Vinh đã ra đi sau nhiều lần đau đớn vì bệnh tật nhưng chị Nguyễn Thị Mùi vẫn vẹn nguyên cảm xúc yêu thương. Kể về bà Vinh, giọng chị Mùi nghẹn lại: "Hoàn cảnh của cô Vinh có nhiều điều để nói. Bản thân mắc bệnh nặng nên bị liệt đôi chân, cô Vinh không lấy chồng, chuyên tâm vào công việc phát triển kinh tế. Đến khi sức khỏe yếu dần, cô Vinh dành những ngày cuối đời ở viện dưỡng lão. Thời gian đầu, cô soi xét rất kỹ người chăm sóc cho mình. Sau đó, cô đã "chọn mặt gửi vàng", lựa chọn tôi để chăm cô hằng ngày. Mối thân tình ngày càng nảy nở, hai cô cháu hiểu nhau hơn sau nhiều giận hờn, trách móc. Điều cảm phục nhất mà tôi học được từ cô là sự kiên trì, tính cách mạnh mẽ không khuất phục trước đau đớn bệnh tật. Và hơn hết đó là lòng vị tha, nhân ái của cô trước tình cảm mà nhân viên trung tâm dành cho cô. Khi cảm thấy sức khỏe không ổn, cô đã viết di chúc với những lời gửi gắm bằng phần quà là tiền mặt tới chú bảo vệ, chị nấu bếp, đến các điều dưỡng viên đã từng chăm sóc cô trong “chuyến xe cuối” của cuộc đời. Cô Vinh đã dành trọn tình yêu thương khiến chúng tôi rất cảm động...".
Tình yêu thương trong một gia đình
Công việc chăm sóc người già, nếu chỉ có kiến thức không thôi là chưa đủ... Là điều dưỡng viên kỳ cựu, chị Phan Thị Thủy Tiên (sinh năm 1989) đã gắn bó với nghề gần 10 năm tại Trung tâm Dưỡng lão bách niên Thiên Đức. Mỗi ngày vượt qua chặng đường hơn 20km từ huyện Đông Anh đến phố Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm) làm việc, chị Tiên đã từng nghĩ đến việc chuyển nghề. Song, khi đến “ngôi nhà” Thiên Đức, chị quên hết mọi cung đường xa xôi, tiếp tục lao vào công việc đã thân quen trong suốt quãng đời thanh xuân.
Trải lòng về nghề, chị Tiên chia sẻ: "Qua thời gian đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, vất vả. Với tôi, nắm bắt tâm lý của từng người để “uốn nắn” và gần gũi với các cụ già mới quan trọng. Dù vậy, các tình huống “bất thình lình” cũng khiến chúng tôi nhiều phen như "rớt tim ra ngoài". Không ít lần, các ông, bà nhân lúc cửa cổng chưa kịp khóa đã lẻn ra ngoài tìm đường về nhà... Rồi chúng tôi khóc òa lên khi thấy các cụ. Những hồi ức đó thực sự là khó có thể quên...".
Gắn bó 18 năm với nghề chăm sóc người già, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Y tá trưởng cơ sở Tô Ngọc Vân (Trung tâm Dưỡng lão bách niên Thiên Đức) có những trải nghiệm đáng nhớ về những tình huống khẩn cấp như khống chế cơn nóng giận của các cụ già; gọi xe cấp cứu trong đêm hoặc tổ chức “chuyến xe cuối” cho các cụ qua đời. Đó là trường hợp ông Phong khi chứng kiến các nhân viên sử dụng dây cố định ngang người để điều trị bệnh cho ông Thanh, ông Phong cho rằng ông Thanh bị áp bức nên lo lắng và tìm cách bỏ trốn. Khi các nhân viên tìm được ông và đưa trở về, ông Phong tỏ ra rất tức giận, có nhiều hành động phản kháng gây nguy hiểm. Sau đó, nhân viên trung tâm đã xin ý kiến gia đình để cho ông sử dụng thuốc an thần, giảm cơn nóng giận...
Trong những năm gắn bó với Trung tâm Dưỡng lão bách niên Thiên Đức, điều đọng lại trong ký ức chị Hoa nhiều nhất là những chuyến xe cấp cứu trong đêm. Chị Hoa không ít lần khóc như mưa khi làm thủ tục đưa các cụ về “thế giới bên kia”. Bởi với các điều dưỡng viên, các cụ như người trong một gia đình...
Còn đối với chị Phạm Thị Vóc (Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng), cảm giác lần đầu chứng kiến các cụ ra đi trong đêm, rồi chính tay chị lau rửa, thay quần áo cho các cụ về với "cõi trời" khiến chị bật khóc rưng rức. "Lần đầu, đó là nỗi sợ, nhưng khi đã quen với công việc, trong lòng có nhiều cảm xúc nghẹn ngào, rơi nước mắt xót thương của sự chia xa", chị Phạm Thị Vóc bộc bạch.
Còn rất nhiều câu chuyện xúc động ở các trung tâm dưỡng lão mà trong khuôn khổ bài viết không thể kể hết được. Nhưng đáng nhớ nhất khi phóng viên Báo Hànộimới đến các trung tâm dưỡng lão là khung cảnh như một gia đình thu nhỏ. Ở đó có hình ảnh bố mẹ già hàn huyên chuyện trò; có những người con là các điều dưỡng viên luôn ân cần nắm lấy bàn tay gân guốc của các cụ già để khỏa lấp khoảng trống trong lòng mỗi người...
Qua những câu chuyện, chúng tôi cảm nhận được trong mắt các cụ có nhiều sự chờ đợi, nỗi mong chờ, nhưng cũng nhận thấy hơn một niềm vui mà các cụ đã, đang trải qua ở các trung tâm dưỡng lão. Ở những nơi này, với nhiều cách thức khác nhau, đội ngũ cán bộ, nhân viên điều dưỡng đang nỗ lực trợ giúp những người cao tuổi có cuộc sống tốt đẹp hơn trong chặng cuối của cuối đời.
Với ý nghĩa sâu sắc và rất đáng trân trọng đó, chúng tôi mong rằng, các điều dưỡng viên sẽ có thêm nhiều sức khỏe, nghị lực để chung tay dựng xây các trung tâm dưỡng lão thực sự là mái ấm của người cao tuổi. Và hơn hết, làm sao để sứ mệnh khó khăn và đáng trân quý này sẽ giúp người già cảm nhận được sự yêu thương chân thành như trong một gia đình...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.