Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1924, Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè từ Thái Lan đến Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia hoạt động trong nhóm Tâm Tâm xã.
Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu cải tổ Tâm Tâm xã, lập ra Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để mở các lớp huấn luyện cán bộ chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng vô sản, ra báo Thanh Niên… chuẩn bị về chính trị, lý luận, tổ chức tiến tới thành lập Đảng thì Lê Hồng Phong trở thành một trong những học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau đó được Người cử sang Liên Xô học tập. Do yêu cầu khôi phục lại phong trào cách mạng trong nước và củng cố tổ chức đảng, cuối năm 1931, đang học dở dang nghiên cứu sinh, đồng chí Lê Hồng Phong được cử về nước để tham gia công tác của BCH TƯ Đảng.
Nhận trọng trách về nước khôi phục lại Đảng khi phần lớn các tổ chức của Đảng tan rã hoặc tê liệt do chính sách đàn áp dã man của thực dân Pháp, đồng chí Lê Hồng Phong về gần biên giới Việt -Trung mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ để gây dựng cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc và cử các đồng chí đảng viên về Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh để gây dựng, nhen nhóm, khôi phục phong trào cách mạng. Với tư duy sắc bén và kinh nghiệm hoạt động phong phú, đồng chí Lê Hồng Phong cùng các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Hà Huy Tập soạn thảo "Chương trình hành động của Đảng" và được Quốc tế Cộng sản thông qua. Chương trình hành động của Đảng đã khẳng định đường lối cách mạng của Đảng vạch ra năm 1930 là đúng đắn; những tổn thất và khó khăn chỉ là tạm thời, không vì thế mà bi quan; đánh giá cao phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh, đồng thời nghiêm khắc chỉ ra những sai lầm cần khắc phục… Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Chương trình đã đề ra những nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng như đấu tranh đòi tự do dân chủ cho dân, thả tù chính trị, giảm và bỏ các khoản thuế…
Không những có đóng góp lớn trong việc xây dựng Chương trình hành động của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong còn trực tiếp chỉ đạo và truyền bá Chương trình hành động của Đảng, góp phần củng cố Đảng và từng bước khôi phục phong trào, chuẩn bị các điều kiện đưa cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Tháng 3-1934, tại Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài gồm 3 người, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Bí thư. Hội nghị quyết định sẽ tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng vào năm 1935 và các Xứ ủy phải thành lập trước Đại hội. Chưa kịp tổ chức Đại hội thì đồng chí Lê Hồng Phong được triệu tập đi dự Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 ở Mátxcơva.Tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Phong đã trình bày tham luận về tình hình cách mạng Đông Dương và vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Ủy viên BCH Quốc tế Cộng sản và công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là bộ phận của Quốc tế Cộng sản.
Trong thời gian đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, Đại hội I của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu BCH TƯ Đảng. Trên cương vị người đứng đầu BCH TƯ, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị TƯ tháng 7-1936, bổ sung Nghị quyết Đại hội I, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 7 Quốc tế Cộng sản là chống phát xít và chiến tranh đế quốc. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương, bao gồm nhiều hình thức đấu tranh để "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển".
Để trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước, tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn, cùng TƯ lãnh đạo cách mạng. Đồng chí tham gia Hội nghị TƯ tháng 3-1938. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương và định hướng cho việc chuyển hướng chiến lược cách mạng.
Gần một thập kỷ, kể từ năm 1931 khi nhận trách nhiệm về nước khôi phục Đảng và phong trào cách mạng đến khi hy sinh, đồng chí Lê Hồng Phong đã trải qua nhiều khó khăn, lăn lộn trong thực tế để hoạt động, gây dựng lại tổ chức đảng từ TƯ, xứ ủy, tỉnh, thành ủy và cơ sở. Đồng chí đã chủ trì, trực tiếp chỉ đạo và soạn thảo các văn kiện quan trọng của Đảng để định hướng hoạt động của Đảng và phong trào, xây dựng các tổ chức đảng và Mặt trận, tập hợp quần chúng xung quanh Đảng và tiến hành các cuộc đấu tranh dân chủ, dân sinh. Đồng chí Lê Hồng Phong còn có cống hiến trong phong trào cộng sản quốc tế. Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Lê Hồng Phong ở Quốc tế Cộng sản đã kết nối được Đảng ta, phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng ta được công nhận là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản.
40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong nêu tấm gương sáng của người cộng sản tiên phong, trọn đời cống hiến cho Đảng, xả thân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, son sắt niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.