(HNMCT) - Miền Trung là mảnh đất có truyền thống thi ca. Trong phong trào thơ mới, nhiều nhà thơ ở xứ này đã trở thành trụ cột. Sau những tên tuổi sáng chói, thời chúng ta đang sống, miền Trung vẫn tiếp nối truyền thống ấy. Và tôi không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu tiên được đọc một cách có hệ thống thơ Trần Huyền Nghiêm qua tập thơ “Trưa rừng thông”. Tôi mừng vì thơ Trần Huyền Nghiêm có nhiều điều để nói.
Không phải ngẫu nhiên mà Trần Huyền Nghiêm chọn bốn câu thơ của nhà thơ lớn Chế Lan Viên làm đề từ cho đứa con tinh thần của mình: “Tuổi đã ngoài năm mươi/ Mong chi hương sắc lạ/ Mọc chùm hoa trên đá/ Mùa xuân không chịu lùi”.
Ngoài tuổi tri thiên mệnh, nghĩa là đã biết được mệnh giời, muốn mình khác lạ, thật khó! Nhưng không vì thế mà không “mọc chùm hoa trên đá” để “mùa xuân không chịu lùi”. Đó là những gì thuộc về ý chí. Cũng có thể hiểu: Dù tuổi đã ngoài năm mươi, nhưng đời sẽ đổi thay nếu chúng ta thay đổi.
Chọn bốn câu thơ tâm đắc trên, đặt ở vị trí đầu, vị trí trang trọng của tập thơ, không phải vô tình mà rất hữu ý, Trần Huyền Nghiêm đã chọn cho mình một xuất phát điểm và có thể là một cái đích để nhắm tới cho “Trưa rừng thông” nói riêng và thi ca nói chung.
“Trưa rừng thông”, theo tôi, là một tứ thơ ấn tượng. Người viết đã “qua bao miền trống trơ” để “gặp rừng thông bất chợt”, qua “trưa gió Lào hun lửa” để được “chợt dịu giữa thông xanh”. Giữa cảnh vật tưởng chừng khô khỏng, trơ trụi ấy, thi nhân đã tìm ra nơi nương tựa cho tinh thần và tâm hồn mình: “Đá gầy và núi dựng/ Đã ấm tiếng chim gù/ Mặt trời chừng bỡ ngỡ/ Trôi trong thông lời ru...”. Rồi tất cả tác động vào ông, tiếp thêm năng lượng sống và niềm vui sống tới ông: “Nghe rạo rực hồn mình/ Biếc xanh cũng thông biếc/ Tiếng lòng không đơn chiếc/ Trong tiếng rừng, tiếng em”.
Bằng bài thơ này, cái tài của Trần Huyền Nghiêm là đã biến một trưa rừng thông vốn bình thường trở nên khác thường. Bằng bài thơ này, Trần Huyền Nghiêm chứng minh: Tên của bài thơ không quan trọng bằng nội dung, tư tưởng của bài thơ.
“Sim tím Truông Bồn” là một cách để lại dấu ấn của một vùng đất bi tráng không thể nào quên trong thơ và dấu ấn cá nhân của một người ưa ngẫm ngợi, suy tư. Hai câu thơ đáng được đánh dấu khuyên vào đó là hai câu kết: “Một miền rừng sáng lên thương nhớ/ Nghe hồn mình tím ngắt cánh hoa rơi...”. Với Trần Huyền Nghiêm, nhớ thương/ tiếc thương mà không bi lụy, nhưng nỗi nhớ, nỗi đau mang nghĩa hàm ơn về một miền rừng có những con người hy sinh vì Tổ quốc của một thời khốc liệt chưa xa ấy, vẫn không nguôi, vẫn không quên đến tận bây giờ .
“Trưa rừng thông” còn nhiều câu thơ hay, đọc lên là nhớ: “Tôi nghe thảng thốt một niềm trắng lau” ("Mãi còn"); “Nỗi nhớ ngôi chùa cổ/ Thơm cùng hoa đại rơi” ("Hoa đại"); “Tôi như cây phượng già cháy lên mùa hoa đỏ/ Lại âm thầm ủ lửa suốt mùa đông” ("Nhớ"); “Sông xuôi mãi về biển/ Cát trắng lóa chân trời/ Thuyền trập trùng sóng gió/ Biết tìm đâu bến bờ” ("Bến bờ")... Đó là những câu thơ tải được nhiều “cảnh”, “tình” và “sự” kiểu Trần Huyền Nghiêm. Gắn ngôi chùa cổ với hoa đại và cũng thơm như hoa đại, để nước sóng sánh như hoàng hôn và sóng sánh cùng hoàng hôn, cây phượng già vừa đốt lửa vừa ủ lửa... là những phát hiện. Còn “Để vầng trăng lạnh buốt cả trời đêm”, chính là hiện thực của tâm trạng.
Thi sĩ hơn cả là bốn câu trong “Cây xoan già”: “Mùa xuân chợt ùa lên/ Từ vỏ cây sạm cháy/ Miên man bao chồi biếc/ Xanh cả chiều mưa bay" và hai câu trong “Niềm quê”: “Chợt nghe lòng như ngọn khói/ Lơ thơ mái rạ ngày xưa”.
Đọc “Trưa rừng thông”, ta càng hiểu thêm tình cảm gia đình và người thân thật da diết trong thơ Trần Huyền Nghiêm. Trước hết, đối với mẹ có nhiều câu thơ hay, nhưng đặc sắc hơn cả là câu: “Mẹ chậm rãi nhai trầu cho đất trời thắm lại”. Ông luôn thầm biết ơn vợ: “Cuộc sống cứ xanh cây dâng quả ngọt/ Có tình em lặng lẽ nắng mưa”. Ông là người thương con, thương học trò đến mức “Mắt thâm quầng lòng đâu chút thảnh thơi”. Cho dù đã chạm đến cái tuổi bên kia triền dốc cuộc đời, ông vẫn lạc quan và gìn giữ, trân trọng niềm vui tuổi già: “Cơn đau mỏi cùng thời gian đánh đố/ Với con, cha còn mãi niềm vui”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.