(HNM) - Sau khi giảm tốc độ tăng trưởng từ quý III-2022, một số ngành công nghiệp gần đây đã có dấu hiệu khởi sắc. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn chung, song cũng đặt ra yêu cầu cần những giải pháp đột phá hơn nữa, chắt chiu từng cơ hội để trợ lực cho doanh nghiệp trụ vững và phát triển.
Tín hiệu khởi sắc
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5-2023 có dấu hiệu khởi sắc, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2022. 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Khai thác quặng kim loại tăng 13%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 8,1%... 49/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số IIP tháng 5 ước tính tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 2,1%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,7%.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nên sản xuất công nghiệp trong nước tiếp tục có sự tăng, giảm đan xen ở các lĩnh vực và địa phương. Mặc dù IIP tháng 5 tăng nhưng tính chung 5 tháng 2023, IIP giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5%; ngành khai khoáng giảm 3,5%. Chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất xe có động cơ giảm 10,1%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 8,5%...
Tại Hà Nội, một số ngành có chỉ số IIP giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 30,8%; in, sao chụp bản ghi giảm 11,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,8%; dệt giảm 5%; sản xuất trang phục giảm 4,9%.
Chắt chiu từng cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp
Có thể thấy, sản xuất của một số ngành công nghiệp những tháng gần đây đã có những tín hiệu khởi sắc, tích cực trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mức tăng còn thấp và chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, sản xuất công nghiệp 5 tháng chưa cải thiện nhiều do thị trường thế giới khó khăn, sức cầu giảm cùng sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia. “Đang có tình trạng cạnh tranh đơn hàng giữa các quốc gia, chứ không chỉ là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải rất nỗ lực mới có thể giữ khách hàng, đơn hàng”, ông Phan Đức Hiếu chỉ rõ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 vẫn đứng trước một số rủi ro như lạm phát, nợ công, thị trường thu hẹp, song triển vọng sẽ phục hồi tích cực vào nửa cuối năm. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên và cần thực hiện mạnh mẽ hơn, hiệu quả và nhanh hơn. Kiến nghị hoàn thuế của doanh nghiệp cần được giải quyết sớm, dứt điểm. Quốc hội đang xem xét nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận vốn, giảm chi phí hoạt động, cho vay ưu đãi để trả lương người lao động... “Lúc này, chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại và trụ vững là rất quan trọng”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Hòa Phát cho biết tập trung nguồn lực đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, đồng thời khôi phục sản lượng sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi tùy theo nhu cầu thị trường. Hòa Phát cũng tăng cường nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm thép chất lượng cao, phục vụ công nghiệp cơ khí, chế tạo đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Còn Tổng công ty May 10 - CTCP lựa chọn chinh phục khách hàng trong nước. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 đã liên tục ra mắt thương hiệu thời trang cao cấp hướng tới phân khúc khách hàng trẻ. Bên cạnh đó, May 10 cũng tập trung vào phát triển mảng đồng phục may đo vốn là lợi thế của đơn vị.
Để thúc đẩy sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp, triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc sau mở cửa trở lại, để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thông quan, đặc biệt là các hàng hóa nguyên phụ liệu, linh kiện để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán hiệp định thương mại tự do với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) để doanh nghiệp có cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới… Những giải pháp nhiều mặt này được kỳ vọng sẽ tạo luồng sinh khí mới, giúp ngành Công nghiệp từng bước hồi phục và lấy lại đà tăng, tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.