Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp vươn xa

Phương Nam| 25/04/2022 08:03

(HNM) - Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp phía Nam đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do chưa lường hết những phức tạp pháp lý hoặc chưa cập nhật đầy đủ quy định mới nên thời gian qua, một số doanh nghiệp đã gặp phải khó khăn nhất định. Hiện các cấp, ngành chức năng đang tăng cường hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp tự tin vươn xa.

Lãnh đạo quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh (bên phải) gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nhu cầu cấp thiết

Tháng 3-2022, có 5 doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài tại Italia thông qua một doanh nghiệp môi giới. Theo đó, phía Việt Nam xuất 100 container hạt điều, trị giá hàng trăm triệu USD. Sau khi 36 container đầu tiên đến Italia, các doanh nghiệp gửi bộ hồ sơ gốc theo yêu cầu để đối tác thanh toán. Tuy nhiên, bộ hồ sơ gốc đã “biến mất”, không còn được phía Việt Nam kiểm soát, dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp “mất trắng” số hàng trị giá nhiều triệu USD này.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Italia - Việt Nam tại Torino (Italia) Phạm Văn Hồng, đây có thể là vụ lừa đảo thông qua sơ hở của phương thức trả tiền qua môi giới khi nhận đủ chứng từ gốc, nghĩa là hàng đã gửi, kèm theo là toàn bộ chứng từ. Khi bên mua nhận đủ, sẽ thanh toán tiền qua trung gian. Doanh nghiệp Việt Nam có thể chưa lường hết rủi ro khi ký hợp đồng theo phương thức này và rất cần trợ giúp pháp lý.

Sau đó, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan chức năng Việt Nam và Italia, số container hàng hóa được chuyển đến Italia đã được giữ lại, không để cho “bên mua” lấy hàng, chờ doanh nghiệp Việt Nam củng cố chứng lý nhằm tái kiểm soát tài sản của mình.

Tương tự, một doanh nghiệp (xin giấu tên) xuất khẩu thủy sản tại thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đến cơ quan chức năng khẩn thiết đề nghị trợ giúp đòi nợ đối tác tại Sri Lanka. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 2 lô hàng cá saba đóng hộp trị giá 112.700 USD cho đối tác, theo phương thức nhận hàng, nhận chứng từ, sẽ trả tiền. Doanh nghiệp Việt Nam làm theo yêu cầu, nhưng cả chứng từ và hàng đã “biến mất”, trong khi đối tác chưa thanh toán tiền.

Nhu cầu được bổ sung kiến thức, trợ giúp pháp lý doanh nghiệp còn đến từ những hoạt động kinh tế trong nước. Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thuế Sài Gòn Nguyễn Thái Sơn nêu ví dụ: Hiện có rất nhiều quy định mới trong các lĩnh vực. Ngoài việc tự tìm hiểu, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để kịp thời nắm bắt và thực hiện các quy định mới này một cách hiệu quả.

Đơn cử mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về 8% đối với một số nhóm mã mặt hàng nhằm hỗ trợ và |kích cầu tiêu dùng từ ngày 1-2 đến 31-12-2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất lúng túng trong việc xác định trong cùng nhóm thì hàng hóa nào được giảm (còn 8%), hàng hóa nào không được giảm. Có doanh nghiệp phải chọn phương thức với mức thuế suất cao nhất, như vậy dẫn đến chính sách giảm thuế không phát huy tác dụng.

Cần làm hiệu quả hơn

Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24-6-2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có thể gửi câu hỏi trực tiếp hoặc thông qua website đến các sở, ban, ngành thuộc những lĩnh vực quan tâm. “Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai trang điện tử http://tuyentruyen phapluat. tphcm.gov.vn/; trang đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp https://doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn/; trang Mạng lưới tư vấn viên Bộ Tư pháp: http://htpldn.moj. gov.vn để doanh nghiệp tham gia, tìm hiểu về pháp lý”, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh thông tin, cơ quan này cũng có một hệ thống các trang web cập nhật các văn bản mới cùng hướng dẫn thực hiện như trang web Sở Kế hoạch và Đầu tư: http:// www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/; Cổng thông tin doanh nghiệp: http://doanhnghiep.hochiminhcity. gov.vn/; Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: http://www. hepza.hochiminhcity.gov.vn/; Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Hồ Chí Minh: http://dichvucong. hochiminhcity.gov.vn/...

Tuy nhiên, có một thực tế là do có quá nhiều trang thông tin nên doanh nghiệp còn khó khăn trong tìm kiếm và tiếp cận thông tin pháp lý. Hiện UBND thành phố Hồ Chí Minh đang giao Sở Thông tin và Truyền thông cùng một số cơ quan chức năng thiết lập một cổng thông tin duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp người dân truy cập dễ dàng, thuận tiện. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành để cung cấp thông tin đúng và kịp thời đến doanh nghiệp.

Còn theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đạt, chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước cũng là vấn đề cần được quan tâm. Nguồn nhân lực này đang chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Việc phối hợp giữa các sở, ngành với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và địa phương trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa tốt, chủ yếu là triển khai các văn bản pháp luật mới, chưa bám sát nhu cầu của doanh nghiệp. “Do đó, thành phố cần tập trung giải quyết các vấn đề này để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Đạt đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp vươn xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.