Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp người lang thang

Minh Vũ| 20/08/2022 07:27

(HNM) - Tập trung người lang thang để giúp đỡ họ trở về bên gia đình hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội là chính sách nhân văn, được thành phố Hà Nội triển khai thường xuyên. Nhận được sự quan tâm, trợ giúp phù hợp, không ít người lang thang có mái ấm gia đình.

Người lang thang tham gia sinh hoạt tập trung tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.

Việc tập hợp, trợ giúp người lang thang do nhiều cơ quan, đơn vị chức năng thuộc thành phố cùng thực hiện, trong đó Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) có trách nhiệm chính. Triển khai nhiệm vụ này, từ đầu năm 2022 đến ngày 10-8, trung tâm tổ chức nhiều đợt ra quân và tiếp nhận 222 lượt người lang thang, chủ yếu là người lang thang xin tiền và đưa về cơ sở 2 của trung tâm (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) để chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời.

Tại đây, 100% trường hợp được khám, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, trao đổi thông tin… Từ nguồn thông tin tiếp nhận, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tiến hành tìm người thân cho đối tượng, giúp họ có cơ hội trở về với gia đình, cộng đồng nơi cư trú.

Hiện nay, trung tâm thông báo tìm người thân cho trường hợp nam giới (khoảng 30 tuổi, không rõ tên, địa chỉ) lang thang xin tiền tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, tiếp nhận về trung tâm vào cuối tháng 7. Trường hợp khác là nữ, có tên D.T.D, chưa rõ quê quán, tiếp nhận về trung tâm vào khoảng giữa tháng 7, do lang thang xin tiền ở khu vực xã Cổ Loa (huyện Đông Anh)…

Đối với những trường hợp sức khỏe yếu, không xác định được nơi cư trú, người tâm thần lang thang… sẽ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài tại một số trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Bằng cho biết, đơn vị thường xuyên nuôi dưỡng hơn 300 người lang thang, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng… Dù có những người không biết tên, không rõ tuổi, nhưng khi sống tại trung tâm, tất cả đều trở thành thành viên trong một gia đình lớn. Điều này giúp nhiều người có mái ấm, có điểm tựa, động lực để vươn lên…

Từng có thời gian sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I vào những tháng đầu năm 2021, chị N.H.V, đến từ tỉnh Quảng Trị chia sẻ, sau khi được tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, chị N.H.V nhận ra, để có cuộc sống tốt, bản thân chị cần tham gia lao động thường xuyên, các con phải được đến trường. Nhờ đó, chị N.H.V đã đưa 4 đứa con còn nhỏ trở lại quê nhà.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, mỗi năm, toàn thành phố tập trung, tiếp nhận, trợ giúp 600-700 người lang thang, chủ yếu từ các tỉnh, thành phố khác đến. Mặc dù vậy, họ đều được chăm sóc, trợ giúp theo diện bảo trợ xã hội của Hà Nội. Hoạt động này thể hiện sự nhân văn của thành phố với đối tượng yếu thế trong xã hội, không để ai bị bỏ lại ở phía sau; đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô thân thiện, văn minh.

Tuy nhiên, quá trình tập trung, hỗ trợ người lang thang gặp không ít khó khăn, bất cập. Dễ nhận thấy là nhiều trường hợp không hợp tác, không cung cấp thông tin khiến việc đưa họ trở lại với gia đình, cộng đồng nơi cư trú không dễ thực hiện. Ngoài ra, căn cứ pháp lý nhằm xử lý những người lợi dụng đối tượng lang thang để trục lợi còn lỏng lẻo nên khó giải quyết dứt điểm. Điều này khiến đâu đó trên phố phường Hà Nội vẫn còn xuất hiện hình ảnh người lang thang xin tiền…

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều ý kiến kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp xử lý những người có hành vi lợi dụng người yếu thế để trục lợi; các địa phương tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, có phương án trợ giúp những đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng, hạn chế tối đa trường hợp người dân đi lang thang.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Sở đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng, trong đó có lực lượng Công an điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em đi xin tiền; đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố lân cận phối hợp quản lý dân cư, chăm lo đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp người lang thang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.