(HNM) - Theo Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, năm 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm: Trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội; khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật, điển hình như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 7,5 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật quy ra tiền). Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp: Hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp khác cho người khuyết tật, tặng xe đạp và học bổng, trợ giúp tìm việc làm, xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh hợp quy chuẩn quốc gia, trợ cấp thường xuyên, thăm hỏi, tặng quà, dạy nghề, hỗ trợ vật nuôi cho hộ gia đình có người khuyết tật…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.