Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trò chơi dân gian... “lên ngôi”!

Đức Hải| 27/03/2013 14:04

(HNMO) - Những tưởng, các trò chơi dân gian đã dần mai một, không còn cuốn hút những công dân thời đại @! Hóa ra chẳng phải vậy, mà ngược lại...! Qua lễ hội truyền thống của một làng quê ven sông Nhuệ, thuộc ngoại thành Hà Nội đã cho thấy điều này.

Dọc hai bờ sông Nhuệ chạy qua địa bàn thành phố Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia. Từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm, ở các làng quê trong vùng thường diễn ra lễ hội truyền thống. Trong số các làng quê đó có làng Nhân Hòa (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội).

Các tiết mục văn nghệ giao do các nghệ sỹ "cây nhà, lá vườn" biểu diễn trong hội làng Nhân Hòa.


Đình làng Nhân Hòa thờ 2 vị thánh hoàng làng là: bà phi hoàng thái hậu Đại Vương - Tư nhân trinh thục Triệu Thị Lã (một vị danh nhân chính sử thời nhà Lý) và Đông Hải Đại Vương (húy Lê Thượng). Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. Hằng năm, cứ vào ngày “hóa” của 2 vị, các cụ và nhân dân trong làng Nhân Hòa vẫn duy trì phần lễ, nhưng 3 năm mới mở hội một lần. Năm nay, từ ngày 12 đến ngày 14-2 âm lịch vừa qua, nhân dân làng Nhân Hòa lại từng bừng mở lễ hội truyền thống.

Ai cũng biết, lễ hội truyền thống tại các làng quê là dịp để con cháu đời nay tưởng nhớ đến công đức của cha ông - những người đã có công dựng nước và giữ nước, ôn lại những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đồng thời là dịp để gắn kết chặt hơn “tình làng, nghĩa xóm”, đoàn kết xây dựng làng quê ngày thêm giàu đẹp. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa đó, người dân trong làng Nhân Hòa ai cũng hồ hởi “chung sức, chung lòng” cho ngày lễ hội quê mình.

Lâu nay, ở nơi này, nơi kia mỗi khi lễ hội truyền thống được mở ra, trong phần hội thường hay bị người ta lạm dụng với những trò chơi sát phạt, đỏ đen, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, ý nghĩa của hội làng. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng, ban tổ chức lễ hội truyền thống làng Nhân Hòa đã cử ra tiểu ban thể thao và các trò chơi, tiểu ban văn nghệ nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, vui tươi trong những ngày hội làng.

Ba ngày diễn ra lễ hội truyền thống, thì có bốn buổi tối biểu diễn văn nghệ với các tiết mục do các nghệ sỹ “cây nhà, lá vườn” tự biên, tự diễn. Thế nhưng, bằng tấm lòng nhiệt thành của mình, họ đã đem đến cho khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vẫn những con người mộc mạc, chân chất, quanh năm vất vả với ruộng đồng, với cuộc sống mưu sinh đời thường, nhưng trong ngày hội làng, trên sân khấu họ như “lột xác” để trở thành những ca sỹ, nghệ sỹ đích thực với giọng ca vừa da diết, truyền cảm, chân thành, vừa đầm ấm, sâu lắng đi vào lòng người nghe qua những bài hát trữ tình ca ngợi tình yêu, ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Vẫn những cô thôn nữ với vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm thường ngày, nhưng khi bước lên sân khấu họ đã khiến người xem nao lòng, say đắm từ những điệu múa thôn quê uyển chuyển, mộc mạc đến những điệu múa la tinh đầy mềm dẻo và quyến rũ. Bốn buổi tối biểu diễn văn nghệ là bốn chương trình được dàn dựng khá công phu, không bị trùng lắp, với những tiết mục biểu diễn hôm sau mới hơn hôm trước. Mỗi tối biểu diễn văn nghệ thu hút hàng nghìn khán giả trong làng, ngoài xã, từ trẻ em, thanh thiếu niên đến người già háo hức chờ đợi đón xem. Mỗi tiết mục kết thúc là những tràng pháo tay dào dào cổ vũ, khích lệ. Những ca sỹ, nghệ sỹ không chuyên của làng Nhân Hòa đã thực sự để lại ấn tượng, cảm xúc tốt đẹp trong lòng người xem. Bởi thế, nhiều người vẫn tiếc nuối, mong sao kết thúc lễ hội vẫn tiếp tục tổ chức thêm vài buổi diễn văn nghệ nữa hay nên duy trì thường xuyên hơn hoạt động biểu diễn này. Nhiều người còn đánh giá, những đêm diễn văn nghệ này còn hay hơn nhiều lần so với những show diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ tên tuổi vẫn thường về sân vận động xã Tả Thanh Oai biểu diễn.

Trò chơi bắt vịt dưới nước thu hút nhiều người tham gia và hưởng ứng.

Nhiều người tham dự lễ hội truyền thống làng Nhân Hòa vừa qua đã ví rằng: “Đây là dịp làm sống lại những trò chơi dân gian”. Quả đúng vậy! Trong ba ngày lễ hội, ngoài những trận bóng đá, cầu lông, bóng bàn giao hữu, hàng loạt trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, cướp cờ, bịt mắt bắt vịt trên cạn, hái hoa dân chủ, ô ăn quan... đã được tổ chức. Những trò chơi dân gian đã thu hút hàng trăm, nghìn lượt người dân trong làng, khách thập phương tham gia. Đối với người già chứng kiến các trò chơi dân gian trong lòng sống lại bao kỷ niệm, thầm ước “bao giờ trở lại ngày xưa”; với thanh niên, trung niên tham gia trò chơi để tìm lại những ngày thơ ấu đã qua; đối với trẻ em thì chúng thật sự háo hức tìm hiểu, muốn tham gia chơi vì sự cuốn hút tự thân của các trò chơi này, bởi hầu hết chúng chỉ biết đến những trò chơi điện tử, hoặc những trò chơi thời hiện đại... Nhiều đứa không ngừng hỏi bố, mẹ để được giải thích về luật lệ trò chơi và mong được cùng chúng bạn ở trường, ở nhà thường xuyên được chơi những trò chơi dân gian này.

Có lẽ, thú vị nhất là trò chơi bắt vịt dưới nước. Khoảng 20 năm trước, khi nước sông Nhuệ chưa bị ô nhiễm, mỗi khi có hội làng hoặc ngày lễ, ngày tết, người dân các làng ven sông Nhuệ vẫn nô nức tham gia trò chơi này... Nhưng đã lâu rồi thì có muốn cũng không thể tổ chức được. May thay, dịp lễ hội truyền thống làng Nhân Hòa lần này, vừa hay có doanh nghiệp trong làng hoàn thành khu du lịch sinh thái với mặt nước rộng cả chục nghìn mét vuông. Vậy là, cả nghìn người khi nghe thông báo tổ chức trò chơi bắt vịt dưới nước tại khu du lịch này đã nô nức ra chứng kiến, cổ vũ và tham gia. Với tiếng trống giục liên hồi, hàng chục nam thanh niên, nam trung niên lao xuống hồ đuổi theo những chú vịt, ai cũng hăm hở trổ tài, cố bắt cho được một chú vịt... Tuy nhiên số vịt có hạn, ban tổ chức chưa kịp chuẩn bị, nhiều người lại tự nguyện thả những chú vịt vừa bắt được ra để mọi người tiếp tục cuộc vui. Cứ như vậy trò chơi bắt vịt dưới nước kéo dài cả vài tiếng đồng hồ trong sự vui vẻ, hò reo cổ vũ của mọi người.

Cuộc thi bơi tự do được cả nam, nữ "VĐV" của làng Làng Nhân Hòa tham gia nhiệt tình.

Tiếp theo trò chơi bắt vịt là trò thi bơi tự do. Đây là trò chơi nằm ngoài dự kiến của ban tổ chức nên chưa chuẩn bị kịp kinh phí trao giải thưởng nhằm khuyến khích người tham gia chơi. Tuy nhiên, nhiều người có mặt tại đây, người ít, người nhiều đã tự nguyện đóng góp kinh phí cho cuộc thi tài. Tuy giải thưởng không đáng kể (150 nghìn đồng cho người cán đích đầu tiên) nhưng đã nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm lượt người tham gia. Cuộc thi đã thu hút cả nam “vận động viên” và nữ “vận động viên” vào cuộc (tất nhiên là nam so tài với nam, nữ so tài với nữ). Ai tham gia cũng nỗ lực về đích, không chịu bỏ cuộc cho dù bạn thi đã bỏ mình một quãng khá xa, tất cả với tinh thần yêu thể thao, rèn luyện sức khỏe và trên hết là đem lại niềm vui cho mọi người.

Không chỉ người dân trong làng mà rất nhiều khách thập phương tham dự lễ hội truyền thống của làng Nhân Hòa năm nay trong lòng đều đọng lại những cảm xúc tốt đẹp. Những ngày hội vừa qua thật sự có ý nghĩa, họ như tạm quên đi những vất vả đời thường để hòa chung với niềm vui của mọi người thông qua những trò chơi dân gian, những tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn”. Lễ hội khép lại nhưng trong lòng ai cũng mong dọc 2 bờ sông Nhuệ, trên mọi miền quê, trên khắp đất nước mình ngày càng có nhiều lễ hội truyền thống vui tươi, lành mạnh như thế!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trò chơi dân gian... “lên ngôi”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.