Giao thông

Trình đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô “1 kế hoạch, 3 phân kỳ”

Triệu Hoa 01/07/2024 - 12:56

Sáng 1-7, tại kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường trình bày tờ trình Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ đô.

npt.jpeg
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường trình bày tờ trình Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Ảnh: Viết Thành.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hoà, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt 50-55%; sau năm 2035 đạt 65-70%.

Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc đã được xác định, thành phố đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư như sau:

Phân kỳ 2024-2030: Hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD.

Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Sơ bộ nhu cầu vốn: khoảng 22,572 tỷ USD. Về năng lực vận tải, đến sau 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD.

Phân kỳ 2036-2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km đường sắt đô thị các tuyến đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỷ USD.

Về phương án huy động của Hà Nội, tờ trình nêu, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động được của thành phố đến năm 2035 là khoảng 28,560 tỷ USD, trong đó, đến năm 2030 có thể cân đối được khoảng 11,570 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 14,602 tỷ USD, chưa cân đối được 3,032 tỷ USD; đến năm 2035 có thể cân đối được khoảng 16,99 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 22,572 tỷ USD, chưa cân đối được 5,582 tỷ USD; đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,21 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này.

Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035.

Giai đoạn sau năm 2035, thành phố Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng nêu, những số liệu nêu trên là dự kiến, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, cập nhật trong quá trình hoàn thiện Đề án và chuẩn bị đầu tư các dự án.

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công-tư của Kết luận 49-KL/TƯ ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị cũng như để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách trong hai kỳ trung hạn nêu trên, Đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Tờ trình cũng nêu rõ về phương án lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu. Theo đó, các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam hiện nay sử dụng vốn ODA từ nước ngoài có ràng buộc hoặc ưu tiên sử dụng sản phẩm xuất xứ nước tài trợ; do vậy, các dự án đường sắt đô thị có sự khác nhau về kỹ thuật công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác vận hành dẫn đến khó khăn trong việc đồng bộ hóa quản lý, kết nối trung chuyển, khó tối ưu trong tận dụng nguồn nhân lực.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống đường sắt đô thị, thành phố đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến đường sắt với nhau đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.

Tờ trình cũng nêu rõ các nhóm chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, huy động nguồn vốn; công tác lập đề xuất dự án, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thiết kế, đấu thầu, quản lý hợp đồng, thanh toán vốn đầu tư, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; về tổ chức quản lý, khai thác; đào tạo nguồn nhân lực…

UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố thống nhất nội dung, ban hành nghị quyết riêng thông qua Đề án; đồng thời trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách “đặc thù”, “đột phá” để phân cấp, phân quyền chủ động cho thành phố Hà Nội, tập trung nguồn lực, rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trình đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô “1 kế hoạch, 3 phân kỳ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.