(HNM) - Trước đây, khi nhắc đến xã Lam Điền (Chương Mỹ), nhiều người chỉ biết đây là xã có truyền thống hiếu học. Nhưng hiện nay, hiều nông dân trở thành triệu phú ở vùng quê giàu truyền thống này.
Trên những khu đồng thôn Lam Điền, Duyên Ứng, Lương Xá, Đại Từ, xen lẫn những thửa ruộng vuông vức sau dồn điền, đổi thửa, thấp thoáng những khu trang trại, gia trại tổng hợp của những nông dân năng động, sáng tạo, tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Lê Quang Vinh ở đội 10, thôn Duyên Ứng mới thấy được công sức lao động và vốn đầu tư của gia đình anh. Hệ thống trang trại của gia đình anh Vinh rộng hơn 1,5ha được quy hoạch rất khoa học: Hai ao nuôi cá thương phẩm, mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn cá, trên bờ gia đình trồng bưởi Diễn, hồng xiêm và khu nuôi gà hậu bị. Theo tính toán, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu được 400 triệu đồng.
Trang trại nuôi gà đẻ của gia đình chị Nguyễn Thị Núi. |
Cũng trên cánh đồng thôn Duyên Ứng, chị Nguyễn Thị Núi chọn hướng gia công gà đẻ cho Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam. Theo chị Núi, nuôi gia công cho doanh nghiệp chỉ đầu tư chuồng trại và công chăm sóc, còn về con giống, thức ăn phía công ty cung cấp và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, gia đình chị nuôi gia công hơn 5.000 gà đẻ, lợi nhuận là 200 triệu đồng. "Nhờ nuôi gà, gia đình tôi đã thoát nghèo, có điều kiện nuôi con cái học hành và mỗi năm cũng tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng" - chị Núi cho biết. Theo Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Đình Dũng, nhân dân xã Lam Điền rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, nhất là sau khi một số mô hình trang trại chăn nuôi gia công cho hiệu quả kinh tế đã thu hút được nhiều nông dân tham gia. Hiện toàn xã có 53 hộ nuôi gia công gà hậu bị và gà đẻ; 145 hộ phát triển trang trại tổng hợp, 6 trang trại nuôi lợn quy mô lớn và hàng trăm hộ trồng nhãn chín muộn... cho thu nhập từ 70 đến 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gà hậu bị xa khu dân cư của ông Bùi Văn Minh, Đặng Văn Chiến; mô hình trang trại tổng hợp của ông Trần Văn Hoan; trồng nhãn chín muộn của bà Hoàng Thị Vẻ, ông Nguyễn Bá Kích...
Tuy nhiên, phần lớn các trang trại hiện chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của cấp có thẩm quyền, nên rất khó mở rộng sản xuất và phát triển ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, nước, giao thông kém chất lượng, không đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các chủ trang trại. Để các mô hình kinh tế trang trại phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương cần thường xuyên phối hợp với cơ quan có chuyên môn về mở lớp tập huấn trang bị kiến thức và khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để các hộ áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đặng Đình Dũng cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch những khu vực xa khu dân cư, diện tích khó canh tác, năng suất bấp bênh sang các mô hình trang trại chăn nuôi và tăng diện tích trồng nhãn chín muộn. Bởi, theo tính toán của các hộ dân, phát triển trang trại tổng hợp cho thu nhập gấp 40-50 lần, trang trại nuôi lợn, gà là 100 lần, còn trồng nhãn cao hơn 20 lần cấy lúa và cây trồng khác. Hiện nay, những trang trại này đã phát triển ổn định, đem lại thu nhập cao cho nhiều nông dân. Sắp tới, xã Lam Điền cũng đề xuất với huyện Chương Mỹ xây dựng thương hiệu tập thể cho những sản phẩm cây trồng, vật nuôi của người dân. Đây cũng là tiền đề cho liên kết "bốn nhà" phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sớm đưa Lam Điền trở thành xã nông thôn mới và ngày càng có nhiều triệu phú đi lên từ đồng đất quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.