Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triệt tiêu thói cửa quyền, hách dịch

Nguyệt Linh| 13/03/2023 06:27

(HNM) - 1. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp (công tác dân vận chính quyền) có vai trò rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giúp tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Công tác dân vận chính quyền có trọng tâm là hoạt động cải cách hành chính với vai trò trung tâm thuộc về đội ngũ cán bộ, công chức.

Thời gian qua, với sự chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần phục vụ và tính chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan hành chính đã góp phần quan trọng thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, thói cửa quyền, hách dịch vẫn lẩn khuất đâu đó, là hạn chế thường xuyên được nhắc tới mỗi khi sơ kết, tổng kết công tác cải cách hành chính ở nhiều cấp, ngành.

Cụ thể, tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2022, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 vừa diễn ra, Chính phủ đã nhìn nhận: “... vẫn còn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng tham nhũng vặt trong thực hiện thủ tục hành chính. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao, người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công”. Hay trong hội nghị triển khai công tác dân vận năm 2023 vừa qua, các ý kiến cũng đánh giá: “Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu như mong muốn”, “Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chưa có cải thiện nhiều”…

Thói xấu cửa quyền, hách dịch tồn tại trong các cơ quan hành chính chủ yếu thông qua lời nói, thái độ ứng xử, việc làm của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. Nhẹ thì có khi là: “Dân hỏi mà không nghe”, “dân lắng tai nghe thì không nói”, “nói trống không, hỏi hất hàm” hay đơn giản chỉ là một ánh mắt thiếu thiện cảm. Nặng thì bộc phát thành vụ việc gây không ít bức xúc trong dư luận, như: Gác chân lên bàn khi tiếp dân, mắng dân và gần đây là có trường hợp đánh dân dẫn đến bị kỷ luật... 

Những vụ việc gây bức xúc chỉ đếm trên đầu ngón tay, thuộc dạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của các cơ quan hành chính, niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đây còn là “miếng mồi” cho các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc chế độ ta; thêm thắt, lắp ghép, chế biến thành các tin tức xấu độc hòng bôi nhọ, làm giảm uy tín của Đảng ta.

Do đó, trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thời gian tới, nhất định phải có giải pháp nhằm triệt tiêu thói cửa quyền, hách dịch trong đội ngũ cán bộ, công chức.

2. Để triệt tiêu thói cửa quyền, hách dịch trong đội ngũ cán bộ, công chức, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng. Đó là tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu...

Trên cơ sở đó, nhất định phải xây dựng bằng được văn hóa công vụ trong mỗi cơ quan hành chính và cả hệ thống chính trị; đưa được các giá trị cốt lõi của văn hóa là chân, thiện, mỹ thấm sâu vào mỗi cử chỉ, hành động, lời nói, việc làm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong tiếp xúc, đối thoại, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Để làm được điều đó, mỗi cơ quan hành chính dựa trên đặc điểm, tính chất cụ thể, cần xây dựng các quy tắc, quy định mang tính chuẩn mực văn hóa ứng xử làm căn cứ cho đội ngũ cán bộ, công chức “tự soi, tự sửa” và tuân theo. Cá thể hóa trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Đối với các cơ quan hành chính Thủ đô, điều thuận lợi là thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Quá trình triển khai, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nơi làm tốt cần kịp thời khen thưởng, nơi lơ là, làm không tốt cần có chế tài nghiêm khắc. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.

Để không ngừng phát triển văn hóa công vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị phải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận, thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Trung ương với quyết tâm xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Các cấp ủy Đảng cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo, xác định dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hằng năm; gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và chức trách của cán bộ, công chức, viên chức; coi việc thực hiện công tác dân vận chính quyền là tiêu chí quan trọng trong đánh giá thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân.

Cốt lõi của văn hóa công vụ là tinh thần trách nhiệm. Thước đo của văn hóa công vụ là chất lượng phục vụ. Một khi cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, có ý thức phục vụ, có kỹ năng dân vận, biết nở nụ cười, có ánh mắt thân thiện, lời nói dễ nghe, hết lòng vì nhân dân phục vụ thì chắc chắn thói cửa quyền, hách dịch sẽ bị triệt tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệt tiêu thói cửa quyền, hách dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.