(HNM) - Năm 2022, USD tăng giá khoảng 9% so với VND, song theo dự báo của chuyên gia, tỷ giá khó có thể tiếp tục tăng cao trong năm 2023. Triển vọng tỷ giá năm nay sẽ phần nào phụ thuộc các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu, bất ổn chính trị gia tăng, đi cùng là lạm phát và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định tỷ giá USD/VND trong thời gian tới dự kiến không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua khi Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành kịp thời, chính xác. Sức ép lên tỷ giá cũng được giảm bởi các yếu tố khác như chỉ số USD có dấu hiệu tạo đỉnh. Hơn nữa, nếu một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng lãi suất trong thời gian tới, USD sẽ giảm giá.
Còn các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, đồng VND sẽ vẫn còn dư địa giảm giá so với USD. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường trong nước phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới.
Mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã bắt đầu chậm lại, nhưng xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới chưa chấm dứt, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh (BoE). Trong đó, ECB thậm chí đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất chậm rãi, nhưng với thời gian tăng kéo dài.
Nhiều tổ chức nước ngoài cũng nhận định về tỷ giá của Việt Nam năm 2023. Theo đó, diễn biến tỷ giá năm 2023 phụ thuộc vào lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Theo đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ đưa ra những đợt tăng lãi suất tiếp theo, nhưng kỳ vọng tăng sẽ nhẹ và thưa hơn so với trước, từ đó khiến USD không còn tăng giá quá mạnh như trong năm 2022. Ngoài ra, các cán cân thương mại và đầu tư nước ngoài cũng sẽ là yếu tố có thể tiếp tục tác động đến cân bằng tỷ giá VND/USD trong thời gian tới.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 2023, Ngân hàng Shinhan cho biết, trước tình hình USD mạnh lên, các quốc gia buộc phải liên tiếp can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ, khiến dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm hơn 1.000 tỷ USD so với đầu năm. VND sẽ vẫn còn dư địa giảm giá so với USD, nhưng mức giảm giá của VND được dự báo chỉ là 3-4% trong năm tới.
Thách thức đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2023 bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu (tổng cầu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm), các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ, lo ngại nợ xấu do các khoản nợ tăng, khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.
Ngân hàng Shinhan dự báo, năm 2023, tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm do các tác động bên ngoài và ổn định vào nửa cuối năm sau. Tuy nhiên, với suy thoái kinh tế toàn cầu, khối lượng giao dịch giảm, rủi ro thị trường bất động sản tăng do các quy định chặt chẽ hơn và lãi suất tăng cũng có thể khiến tỷ giá USD/VND tăng…
Tỷ giá ổn định, về cơ bản, sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước độc lập trong điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bảo đảm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp để tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, lãi suất được dự báo là một biến số khó lường trong năm 2023 với đà tăng có thể sẽ còn tiếp tục, nhất là khi nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Có lẽ yếu tố lạm phát mới là áp lực đáng kể nhất lên xu hướng lãi suất của năm 2023.
Dù Việt Nam trong năm 2022 đã khá thành công trong việc kiềm chế lạm phát, tuy nhiên với đặc thù nền kinh tế có độ trễ nhất định so với thế giới, áp lực lạm phát trong nước có thể bắt đầu gia tăng mạnh hơn thời gian tới…
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, định hướng điều hành năm 2023, khả năng điều hành lãi suất còn nhiều khó khăn, thách thức. Với nền kinh tế có độ mở lớn, áp lực lạm phát nhập khẩu rất lớn lên mặt bằng 2023 lớn. Từ đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét thận trọng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định duy trì ổn định thị trường ngoại tệ và có thể quay lại mua được ngoại tệ khi thị trường thuận lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.