Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á: ''Giảm tốc'' bởi đại dịch Covid-19

Thùy Dương| 27/06/2021 06:34

(HNM) - Đại dịch Covid-19 đang làm “giảm tốc” triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á. Theo kết quả khảo sát do Hãng tin Bloomberg của Mỹ tiến hành, các nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm nay và năm sau, song tốc độ chậm hơn so với mức trước khi có đại dịch. Các làn sóng bùng phát dịch bệnh mới và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, với hầu hết các quốc gia báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm trong 3 tháng đầu năm.

Thái Lan đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng để có thể mở cửa đón khách du lịch vào cuối năm 2021.

Trong dự báo của Bloomberg, Philippines đứng cuối bảng trong cuộc đua phục hồi tại khu vực Đông Nam Á. Kinh tế nước này 3 tháng đầu năm 2021 thậm chí suy giảm mạnh hơn dự kiến, ở mức âm 4,2% so với âm 3,2%. Việc áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ đô Manila và các khu vực kinh tế trọng điểm khác nhằm ngăn ngừa sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6,5% trong năm nay của nước này. 

Tương tự, Malaysia và Indonesia cũng trải qua quý I không mấy khả quan, tăng trưởng GDP lần lượt âm 0,5% và âm 0,75%. Tuy nhiên, Indonesia được dự báo quý II tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008 khi chính phủ chuyển sang các chương trình kích thích nhu cầu trong nước.

Nền kinh tế Thái Lan trong quý đầu tiên của năm 2021 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù đã cải thiện so với mức giảm 4,2% của quý IV-2020. Ngân hàng Trung ương Thái Lan ngày 23-6 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay và năm sau, trong bối cảnh xứ chùa Vàng đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Đại dịch đã làm gián đoạn các luồng du khách tới nước này cho dù Chính phủ Thái Lan rất muốn mở cửa trở lại nền kinh tế.

Như vậy, trong số 6 nền kinh tế lớn của khu vực, duy chỉ có Singapore và Việt Nam là có mức tăng trưởng tích cực trong quý đầu năm, với mức tăng tương ứng là 0,2% và 4,48%. Chuyên gia kinh tế Sung Eun Jung của Oxford Economics (công ty phân tích định lượng và dự báo toàn cầu) nhận định, cả hai nền kinh tế này đều hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất và thương mại, đồng thời việc kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn nên đã duy trì được sự phục hồi của nhu cầu nội địa.

Dù vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá việc triển khai tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 đang chững lại trên toàn cầu, điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng của Việt Nam do sự phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các nhà nhập khẩu. Seng Wun Song - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Malaysia CIMB Private Banking nhận định, quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Singapore phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch Covid-19 ở khu vực cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu, bởi thị trường nội địa Singapore có quy mô khá nhỏ, trong khi kim ngạch xuất khẩu có thể gấp 3 lần quy mô nền kinh tế.

Trước tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, các nền kinh tế Đông Nam Á đặt mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng trước đại dịch. Tuy nhiên, theo báo Nikkei Asia (Nhật Bản), các dự báo ban đầu về khu vực cho thấy nhiều kịch bản rủi ro vẫn tiếp tục rình rập. Tốc độ tiêm chủng khá chậm và sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới có thể làm gia tăng độ bấp bênh đối với tiến trình phục hồi kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của khu vực Đông Nam Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế được dịch bệnh. Do đó, các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới vẫn cần được duy trì cho đến khi chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của những quốc gia này được triển khai rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á: ''Giảm tốc'' bởi đại dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.