(HNM) - Tổng sản lượng thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm xuất khẩu năm 2018 của cả nước đạt 25.762 tấn, tăng 124% so với năm 2017. Con số này cho thấy, ngành chăn nuôi gia cầm đang có nhiều triển vọng phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi gia cầm đang có nhiều triển vọng phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: An Hiếu |
Tín hiệu tích cực
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), trong những năm qua, số gia cầm của cả nước tăng bình quân mỗi năm hơn 6%, sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, sản lượng trứng đạt hơn 11 tỷ quả. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng: Chăn nuôi gia cầm đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến (giống, trang thiết bị...) để có sản phẩm chất lượng bảo đảm, giá trị cao, đủ sức cạnh tranh tại nhiều thị trường.
Cụ thể, Việt Nam đã cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất con giống gia cầm; đồng thời chọn lọc, tạo một số dòng có năng suất, chất lượng cao. Có thể khẳng định, chăn nuôi gia cầm đang tạo nguồn thu nhập lớn cho nông dân...
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này khá bài bản kèm theo những giải pháp căn cơ, tạo được sản phẩm có lợi thế, đủ sức cạnh tranh tại thị trường các nước. Tận dụng thế mạnh này, Việt Nam đang đẩy mạnh tiếp cận, tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định song phương, đa phương...
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do tác động tích cực đến chăn nuôi gia cầm và hoạt động chế biến sản phẩm gia cầm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong nước, công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi cũng không ngừng được tăng cường, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi và công nghệ chế biến đi kèm...
Trước sự phát triển tích cực của ngành chăn nuôi Việt Nam, Nhật Bản đã chính thức cho phép 2 công ty của Việt Nam là Koyu & Unitek và Công ty cổ phần Chăn nuôi CP được xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường này. Tính đến cuối năm 2018, Koyu & Unitek đã xuất khẩu được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với 1.500 tấn, trị giá 6 triệu USD.
Để đón bắt cơ hội xuất khẩu, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP đã xây dựng dự án xuất khẩu giai đoạn 1 với quy mô 50 triệu con gà thịt/năm; đồng thời đang đầu tư xây dựng tổ hợp này tại tỉnh Bình Phước với hệ thống liên hoàn, gồm: Nhà máy thức ăn chăn nuôi, hệ thống trang trại gà giống, nhà máy ấp trứng, hệ thống trang trại chăn nuôi gà thịt và nhà máy chế biến sản phẩm từ thịt gà.
Tổ hợp ở tỉnh Bình Phước được Công ty cổ phần Chăn nuôi CP đầu tư mới 100% với thiết bị vận hành theo công nghệ mới, hiện đại nhất châu Á. Theo kế hoạch, công ty sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào tháng 6-2020 vào thị trường Nhật Bản với sản lượng 3.000 tấn/tháng, sau đó, tiếp tục mở rộng tới các quốc gia khác thuộc châu Á, châu Âu...
Theo nhận định của Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, đối với thị trường thế giới, dựa trên những lợi thế về ưu thế sản xuất, thương mại... ngành thịt gia cầm của Việt Nam có thể xác định các thị trường quốc tế, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines... cùng một số thị trường tiềm năng: Ảrập Xêút, Nam Phi, UAE... Sản xuất sản phẩm gia cầm trên thế giới năm 2019 được dự báo tăng 3% so với năm 2018 và đạt 98,4 triệu tấn - đây là tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua và cũng chính là cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nỗ lực hướng tới thị trường tiềm năng
Tuy nhiên, so với tổng sản lượng thịt, yêu cầu tổ chức thị trường xuất khẩu thì số nhà máy chế biến hiện nay trên địa bàn cả nước chưa tương xứng. Mặt khác, để xuất khẩu, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề cần sớm giải quyết như: Chăn nuôi chưa gắn với an toàn dịch bệnh, hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe tại nhiều quốc gia (đối với sản phẩm tươi sống đông lạnh, sản phẩm qua chế biến...).
Nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm, theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN& PTNT) Phạm Văn Đông: Trước hết, cần kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm và xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh. Tiếp theo, cần tổ chức kiểm soát các vi sinh vật, loại bỏ chất tồn dư độc hại trong sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các nước.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm, cần kiểm soát chặt chẽ sản phẩm chế biến nhằm loại bỏ rào cản tại quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ như: Kiểm soát tốt sản phẩm trứng muối, thịt gà, thịt vịt đã qua chế biến nhiệt khi xuất khẩu tới các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ASEAN. Đồng thời, cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư, nghiên cứu sâu để gắn sản xuất với đặc thù và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu.
Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm xuất khẩu mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm; tiếp tục tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines...
Về chiến lược, để chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu, thời gian tới, ngành gia cầm cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín theo mô hình trang trại thay vì nông hộ. Để thuận lợi trong thực hiện, rất cần các cơ quan chức năng, tổ chức ngành hàng, doanh nghiệp cùng nông dân nỗ lực nhiều hơn trong các khâu của chuỗi giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.