Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại VN giảm

L.H| 03/08/2012 14:14

(HNMO) - Lần đầu tiên triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã giảm xuống dưới mức chỉ số “trung bình” (50 điểm).

Đó là kết quả của cuộc khảo sát lần thứ tám về Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý do EuroCham thực hiện vào tháng 7/2012 và mới công bố vào đầu tháng 8 này.

Theo EuroCham, các doanh nghiệp hội viên tham gia vào cuộc khảo sát bày tỏ sự lo ngại ngày càng tăng về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế tổng thể của Việt Nam.

Chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu giảm tiếp 5 điểm xuống còn 48. 38% doanh nghiệp tham gia vào cuộc khảo sát thuộc ngành công nghiệp dịch vụ, 30% thuộc ngành sản xuất, còn lại là thương mại và các ngành khác.



Xuất khẩu thủy sản.


So với kết quả khảo sát gần đây nhất, có 7% phản hồi giảm mức đánh giá về tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp. Mức độ đánh giá “tốt” giảm từ 34% xuống còn 29%, trong khi cùng thời kỳ này năm ngoái là 43%. Chỉ 1% phản hồi miêu tả tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “xuất sắc”. Các đánh giá trung lập về tình hình kinh doanh hiện tại vẫn giữ trong khoảng 30%. Nhưng điều đáng lo ngại là có sự gia tăng về số doanh nghiệp (khoảng 10%) cho rằng tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “rất xấu”. Tổng số 39% phản hồi có đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại.

Đáng chú ý, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư trong năm 2012, ý kiến của doanh nghiệp được chia thành 3 quan điểm: tăng đầu tư, duy trì mức hiện tại hoặc giảm đầu tư tại Việt Nam. Chỉ có 32% phản hồi hy vọng sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam. Con số này giảm nhẹ từ mức 36% tại cuộc điều tra trước và giảm mạnh từ mức 52% có kế hoạch tăng 1 năm trước đây. Sự dao động ở mức 33% doanh nghiệp trong cuộc điều tra này có kế hoạch giảm đầu tư, trong đó 20% tuyên bố sẽ “giảm đáng kể” đầu tư tại Việt Nam trong năm nay. Trong cuộc điều tra một năm trước, chỉ có 4% phản hồi tuyên bố sẽ giảm đáng kể đầu tư tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự gia tăng xu hướng các doanh nghiệp thận trọng hơn với việc đầu tư và một vài doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch giảm các hoạt động tại Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp mong muốn duy trì mức đầu tư hiện tại giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức gần 31%.

Mặt khác, hiện cũng gia tăng số lượng các doanh nghiệp phản hồi về sự sụt giảm trong đơn hàng và doanh thu. Tuy nhiên, sự lo ngại về lạm phát của các doanh nghiệp có phần giảm bớt. Mức lương tối thiểu tăng không làm bận tâm nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong vòng 6 tháng tới, 60% doanh nghiệp phản hồi, họ tiếp tục nhìn thấy sự suy giảm của một nền kinh tế vốn đã khó khăn. 30% nghĩ rằng tình hình sẽ ổn định và dần phục hồi. Điều này cho thấy các biện pháp ổn định kinh tế không làm giảm các lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự lo lắng và bối rối về Luật Lao động mới (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2013). Phần lớn doanh nghiệp khoảng 42% cho rằng Luật Lao động mới có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ. 28% phản hồi cho rằng họ không chắc chắn về những gì quy định mới đưa ra, tạo ra sự thiếu thông tin sẵn có trong quy định mới và chính xác nó có nghĩa gì cho các công việc kinh doanh hàng ngày. 5% cho rằng Luật Lao động mới có tác động tích cực đến công việc kinh doanh của họ.

Ông Paul Jewell, Giám đốc điều hành nhấn mạnh: “Chỉ số về môi trường kinh doanh của EuroCham tiếp tục giảm nguyên nhân là tiến trình chậm trong nhiều vấn đề đã được đề cập đến trong sách Trắng năm ngoái. Mặc dù đã có một vài bước tiến trong lạm phát, vẫn có một làn sóng hay các vấn đề hiện tại và mới làm xói mòn lòng tin trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam: các vấn đề về kinh tế vĩ mô, thiếu cơ sở hạ tầng tương xứng và các thủ tục hành chính vẫn còn tiếp diễn”.

Qua kết quả khảo sát trên, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham bày tỏ: “Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh và sức thu hút như là một điểm đến kinh doanh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại VN giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.