Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng không mấy sáng sủa

Hoàng Linh| 29/09/2016 06:39

(HNM) - Giá dầu thế giới tiếp tục trải qua một phiên giao dịch sụt giảm khi tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11-2016 giảm 1,26 USD xuống còn 44,67 USD/thùng. Trong khi đó, tại London giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,38 USD xuống 45,99 USD/thùng.


Biến động này được cho là một phần hệ quả của việc Iran đã làm "tiêu tan" hy vọng về khả năng các nhà sản xuất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng tại cuộc họp không chính thức bên lề Diễn đàn Năng lượng quốc tế lần thứ 15 đang diễn ra ở Algeria.


Nếu không sớm đạt được những thỏa thuận giới hạn sản lượng, các nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ sẽ càng lún sâu vào khủng hoảng trong thời gian tới.


Trước cuộc họp này, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết “giờ không phải là lúc đưa ra quyết định”, đồng thời nêu rõ sẽ “cố gắng đạt thỏa thuận vào tháng 11” - ám chỉ cuộc họp chính thức lần tiếp theo của các nước OPEC tại Vienna (Áo) vào ngày 30-11. Kể từ khi được phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, Iran giờ đây muốn nâng sản lượng khai thác dầu lên mức trước cấm vận là hơn 4,2 triệu thùng/ngày, từ mức khoảng 3,6 triệu thùng/ngày hiện tại. Trong khi đó, các thành viên OPEC lại muốn nước này giới hạn dưới 4 triệu thùng/ngày. Thực tế, dù các nước Arab và Iran hầu hết đều phụ thuộc vào dầu mỏ, nhưng Tehran đã chứng kiến sức ép lên nền kinh tế giảm đi rất nhiều kể từ khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Ngược lại, “người anh cả” của OPEC là Saudi Arabia cũng đang phải đối mặt với năm thứ hai trong tình trạng thâm hụt ngân sách kỷ lục, thậm chí phải cắt giảm lương của nhân viên chính phủ. Vì thế, việc Iran từ chối tham gia thỏa thuận giới hạn sản lượng là hoàn toàn lý giải được. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho rằng, sự khác biệt giữa các thành viên OPEC đang thu hẹp dần nhưng vẫn khó có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong lần họp này.

Từ cuối năm 2015, các chuyên gia kinh tế dự báo, dù vẫn là quốc gia đứng đầu OPEC nhưng Saudi Arabia đang mất dần vị thế bá chủ trên thị trường dầu thế giới. Trong khi đó, Mỹ sẽ sớm vượt qua cả Saudi Arabia và Nga để trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất. Với công nghệ khai thác dầu đá phiến, Mỹ đã tăng sản lượng dầu thô từ mức 5 triệu thùng/ngày năm 2008 lên 9 triệu thùng/ngày năm 2015. Kết quả là từ năm 2014, giá dầu thế giới đã giảm đi một nửa do sản lượng dư thừa quá nhiều - điều khiến nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ điêu đứng và phải tìm cách cân bằng thị trường nhằm cải thiện lợi nhuận, giảm khó khăn kinh tế. Mới đây, Bộ trưởng Dầu khí và Khoáng sản Venezuela Eulogio del Pino đưa ra dự đoán, giá dầu thậm chí có thể tụt xuống dưới 20 USD/thùng nếu không có thỏa thuận nào giúp ổn định thị trường được các nước OPEC đưa ra trong cuộc họp lần này.

Trong khi đó, việc sở hữu lượng dầu tích trữ khổng lồ cũng sẽ giúp các nước có được lợi thế trong bài toán chính trị thế giới nếu “mở bán” một cách đúng lúc và khéo léo. Do vậy, bên cạnh trữ lượng khổng lồ chưa khai thác, Mỹ cũng đẩy mạnh tích trữ dầu cùng với các nỗ lực phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, đặt tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu quốc gia này không phụ thuộc vào sự thất thường của thị trường dầu mỏ. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh tay vào việc tích trữ dầu với hy vọng có thể tạo dựng được thế đứng độc lập tương đối khỏi sức ép dầu mỏ lên hoạt động kinh tế.

Yếu tố cốt lõi dẫn đến giá dầu lao dốc thời gian qua là dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, với việc nội bộ OPEC vẫn không đạt được đồng thuận trong cắt giảm sản lượng, triển vọng giá dầu cải thiện trong tương lai gần là không mấy sáng sủa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng không mấy sáng sủa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.