(HNM) - Việc thay đổi 3 loại vắc xin tạo ra tâm lý lo lắng cho các phụ huynh có con nhỏ đang trong độ tuổi tiêm phòng.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Vì sao chọn vắc xin ComBe Five?
Bắt đầu từ tháng 8-2018, Bộ Y tế sẽ sử dụng vắc xin ComBe Five thay thế cho vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1) mà Việt Nam đã sử dụng trước đó nhằm phòng ngừa 5 loại bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Lý do phải chuyển đổi do Công ty Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngưng sản xuất vắc xin Quinvaxem từ năm 2017. Với vắc xin Sởi - Rubella MRVAC do Việt Nam sản xuất sẽ đưa vào sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng nhằm thay thế vắc xin trước đó do Ấn Độ sản xuất. Đồng thời, từ năm 2018, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vắc xin bại liệt IPV do Pháp sản xuất trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Tại hội nghị triển khai một số vắc xin mới trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018 tổ chức tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngày 24-4 vừa qua, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thừa nhận, việc thay đổi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi với sự bùng nổ thông tin chưa được kiểm chứng truyền tải nhanh trên mạng xã hội khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sự thiếu an toàn của vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trong đó, phụ huynh đặc biệt lo lắng vấn đề chuyển đổi vắc xin Quinvaxem sang vắc xin ComBe Five. Nguyên nhân do ComBe Five là một loại vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào, sẽ gây nên những phản ứng phụ sau tiêm cho trẻ như nóng sốt, đau, quấy khóc.
Giải đáp lo lắng này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vắc xin ComBe Five đạt tiêu chuẩn thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới, đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia, với 400 triệu liều sử dụng. Tại Việt Nam, vắc xin này đã được sử dụng thí điểm nhóm nhỏ ở 4 huyện Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Kết quả theo dõi 28 ngày sau tiêm cho thấy 70-86,7% các cháu có đau chỗ tiêm; 35,7-39,3% có bị đỏ và quầng đỏ ở vị trí tiêm; 34,4-39,1% các cháu có sốt; 8,9-24% các cháu có bỏ bú, bỏ ăn. Đây là những phản ứng an toàn của trẻ sau khi tiêm.
Cần chuẩn bị gì khi đưa trẻ tiêm vắc xin mới?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) nhận định, việc chuyển đổi vắc xin trong tiêm chủng là điều rất bình thường, nên phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, không để bị lôi kéo vào các phong trào phản đối sử dụng vắc xin thiếu cơ sở khoa học trên mạng xã hội.
Theo các bác sĩ, khi đưa bé đi tiêm chủng phụ huynh cần phải thông báo những bệnh mà em bé có sẵn, đặc biệt là những bệnh bẩm sinh như tim, dị tật cùng những phản ứng trước đó khi từng tiêm vắc xin để bác sĩ khám sàng lọc sâu hơn trước khi quyết định tiêm hay không. Cũng giống như tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem, phụ huynh sau khi tiêm vắc xin ComBe Five cho trẻ xong cần phải ở lại cơ sở tiêm 30 phút sau đó mới đưa con về nhà tiếp tục theo dõi 6 tiếng đầu, 12 tiếng, rồi 24 tiếng sau đó.
Về phía nhân viên y tế nơi thực hiện tiêm chủng ngoài công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng phải giải thích cho phụ huynh hiểu rõ. Đối với nhân viên thực hiện tiêm chủng tiêm mũi ComBe Five thì cần có sự cố cần báo cáo nhanh, kịp thời xử trí để bảo đảm an toàn tiêm chủng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.