Y tế

Triển khai Sổ sức khỏe điện tử và Hồ sơ sức khỏe điện tử:Thành công phụ thuộc vào sự thay đổi tư duy và hành động

Bảo Bình (ghi) 20/12/2024 - 06:26

Triển khai Sổ sức khỏe điện tử và Hồ sơ sức khỏe điện tử là việc không đơn giản, nhưng hoàn toàn khả thi. Chia sẻ của những người trong cuộc cho thấy về sự cần thiết hoàn thiện và nhân rộng mô hình này.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, Thư ký của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ:

Sẽ nhân rộng ra toàn quốc

638695978798596459-vu-van-tan.jpg

Sổ sức khỏe điện tử và Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy. Sổ sức khỏe điện tử sẽ theo cá nhân trọn đời và nhờ đó, khi đi khám/ tiêm chủng tại bất kỳ đâu người dân không còn phải mang theo nhiều giấy tờ liên quan tới thông tin khám, điều trị, tiêm chủng trước đó. Người dân sẽ biết và tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình (bố mẹ, con cái...).

Người dân cũng có thể chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân và cập nhật dữ liệu y tế cơ bản của bản thân, người thân (cân nặng, chiều cao, huyết áp, nhiệt độ...) để có thể chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân; được tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và tư vấn điều trị với người mắc bệnh mạn tính.

Những lợi ích của việc xây dựng Sổ sức khỏe điện tử và Hồ sơ sức khỏe điện tử là không thể đong đếm được. Tuy nhiên, để triển khai thành công trên bình diện một địa phương đang được thí điểm là Hà Nội và sẽ nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới đây sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 2-10 vừa qua, thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thay đổi nhận thức và hành vi cung cấp dịch vụ của cán bộ y tế. Công tác xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử có đạt được thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào chính quyết tâm chính trị, sự thay đổi trong tư duy, hành động của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ sở y tế...

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội:

Bài học về sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng

638695978791565783-ky.jpg

Trong quá trình triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử qua ứng dụng VNeID, thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông; sự lãnh đạo, chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố, các sở, ngành và UBND các đơn vị trực thuộc thành phố.

Tiếp đó, không thể không kể tới ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia đề án, họ đã thực hiện đúng tinh thần, chủ trương của Chính phủ, của thành phố trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành phố Hà Nội cũng gắn việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử với nội dung công tác của Tổ công tác Đề án 06 với mục tiêu đem đến lợi ích cho người dân và ngành Y tế.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt tới toàn bộ viên chức, người lao động trong các đơn vị y tế để hiểu và triển khai hiệu quả. Một kinh nghiệm đặc biệt quý báu không thể thiếu đó chính là sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng Công an cơ sở, cơ quan tư pháp tại địa phương và các tổ chức đoàn thể giúp đỡ y tế địa phương trong triển khai thu thập, cập nhật số liệu.

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Từ nền tảng của Sổ sức khỏe điện tử sẽ thí điểm bệnh án điện tử

638695978802376825-dao-xuan-co.jpg

Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc vào ngày 2-10 vừa qua, yêu cầu đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân thực hiện Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID. Cần nghiên cứu xây dựng Sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ; hướng dẫn các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, nghiên cứu thiết lập bệnh án điện tử cho tất cả công dân.

Tôi cho rằng đây là bước tiến mới, phù hợp với quá trình phát triển bởi thực tiễn cho thấy việc triển khai ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã mang lại hiệu quả, tác động to lớn. Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai ước tính mỗi năm cần 50 tỷ đồng để mua phim phục vụ chiếu chụp, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng môi trường, lại khó lưu giữ lâu. Ngoài ra, với Sổ sức khỏe điện tử, các bệnh viện có thể căn cứ vào dữ liệu liên thông để đưa ra các quyết định, như bệnh nhân có cần chuyển tuyến hay không.

Mặt khác, nguồn dữ liệu của các bệnh viện tuyến đầu cả nước là rất lớn, nhưng hiện được lưu trữ giấy nên rất khó ứng dụng vào nghiên cứu. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai đang nằm trên kho dữ liệu, nhưng là dữ liệu chết, phải số hóa để làm sống lại kho dữ liệu đó. Làm được điều này sẽ tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành Y tế Việt Nam có những nghiên cứu công bố quốc tế. Tới đây, Bệnh viện Bạch Mai có thể nghiên cứu, xem xét thí điểm bệnh án điện tử và nếu thành công sẽ hướng dẫn các bệnh viện khác.

Bà Phan Thùy Du, Trạm Y tế phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng:

Những vướng mắc, hạn chế sẽ sớm được khắc phục

638695978805653140-phan-thuy-du.jpg

Sổ sức khỏe điện tử được cơ sở khám, chữa bệnh tạo lập, ký số và tích hợp trên ứng dụng VNeID. Theo tôi, các nội dung thông tin trong Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng được hiển thị đầy đủ, thuận tiện khi sử dụng, dễ truy cập, dễ xem, thuận tiện tra cứu.

Thực hiện Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID là bước đầu tiên của số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân, thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Từ đó, mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số y tế trên phạm vi toàn quốc. Dữ liệu của người dân, sau khi số hóa sẽ được bảo mật ở mức tối đa.

Cán bộ y tế ở cấp cơ sở như chúng tôi nhận thức rõ thế mạnh của Sổ sức khỏe điện tử, đã tuyên truyền cho người dân và đại đa số đều đồng tình, ủng hộ. Dù còn có vướng mắc trong quá trình triển khai nhưng tôi tin rằng sự hạn chế sẽ sớm được khắc phục, đưa Sổ sức khỏe điện tử vào cuộc sống, góp phần giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính trong điều trị sức khỏe nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Sổ sức khỏe điện tử và Hồ sơ sức khỏe điện tử: Thành công phụ thuộc vào sự thay đổi tư duy và hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.