Luật Thủ đô năm 2024 được ban hành với nhiều điểm mới quan trọng, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho sự phát triển của Hà Nội nói chung và từng người lao động nói riêng.
Những điều chỉnh này không chỉ thể hiện rõ mục tiêu lấy con người làm trung tâm phát triển, mà còn tạo hành lang pháp lý bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
Những thay đổi tích cực
Một trong những sửa đổi đáng lưu ý nhất của Luật Thủ đô năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ năm 2025) so với Luật Thủ đô trước đây là các cơ chế, chính sách đặc thù về điều chỉnh tiền lương, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ việc làm được đặt lên hàng đầu nhằm tạo động lực làm việc, tăng cường sự ổn định và an toàn trong công việc. Những cải cách này không chỉ giúp người lao động có thu nhập tốt hơn, mà còn tạo cơ hội nâng cao kỹ năng, phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, theo Khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên do thành phố quản lý sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm theo năng lực, hiệu quả công việc. Trong đó, quy định mức chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Ngoài ra, Luật Thủ đô năm 2024 cũng quy định việc bố trí ngân sách để giảm nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 100% cho hộ nghèo, tối thiểu 60% cho hộ cận nghèo, 20% cho các đối tượng khác; các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách về y tế, giáo dục… Thành phố có quyền bố trí ngân sách phù hợp để triển khai các chính sách này.
Giảm áp lực tài chính cho người lao động
Để Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Nghị quyết này cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá làm căn cứ xác định mức độ hoàn thành công việc; quy định thẩm quyền đánh giá thuộc về thủ trưởng cơ quan, đơn vị và sẽ sớm ban hành hướng dẫn để kịp thời chi trả cho các đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm theo Luật Thủ đô. Năm 2025, mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm là 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Nhằm giảm áp lực tài chính cho người lao động trong những thời điểm khó khăn, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội (nay là Bảo hiểm xã hội Khu vực I) đã đề xuất hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ mới thoát cận nghèo; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình đang thường trú tại Hà Nội.
Người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố sẽ được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế.
Nếu được thông qua, chính sách sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2026. Dự kiến, khoảng 614 nghìn người được thụ hưởng (gồm hơn 173,5 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hơn 440 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế). Tổng kinh phí gần 709 tỷ đồng, trong đó chính sách bảo hiểm y tế là hơn 520 tỷ đồng, còn lại là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố đối với người dân, nhằm thực hiện mục tiêu an sinh xã hội phù hợp với đặc thù của Thủ đô, khả năng cân đối ngân sách và đúng thẩm quyền.
Đón nhận những thay đổi trên, chị Nguyễn Thị Mơ (Công ty cổ phần Sài Sơn) đánh giá: Những bước đi của Hà Nội trong việc cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 không chỉ nâng cao chất lượng sống mà còn thể hiện sự kiên định trong việc lấy con người làm trung tâm phát triển. Từ đó, tạo hành lang pháp lý bảo vệ cuộc sống an toàn, công bằng cho người dân, cán bộ, công chức Thủ đô hiện nay. Với những hỗ trợ thiết thực, người lao động nói chung và cán bộ, công chức nói riêng sẽ có thêm điều kiện ổn định cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và thích ứng với các thách thức, biến động trong cuộc sống.
Cùng với Luật Thủ đô năm 2024, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cũng tác động sâu rộng đến môi trường làm việc. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính và tối ưu hóa mô hình hoạt động của các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sẽ giúp người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn, được bảo vệ quyền lợi chính đáng và có cơ hội phát triển lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.