Chiều 4-10, tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức chi xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28-6-2024.
Đối tượng áp dụng cho nghị quyết là các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức của thành phố, chuyên gia tham gia hoạt động tư vấn xây dựng văn bản được giao theo quy định của Luật Thủ đô và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.
Theo đó, mức chi hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND thành phố; chi tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm nghiên cứu góp ý xây dựng nghị định của Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND thành phố; chi thuê chuyên gia trong nước tư vấn các nội dung, nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô; chi thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn các nội dung, nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Nghị quyết được xây dựng dựa trên các quan điểm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật. Việc ban hành nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn, khả năng cân đối ngân sách của thành phố; theo đó, các nội dung, mức chi phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong chất lượng xây dựng văn bản, hiệu lực, hiệu quả của văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Theo Tờ trình của UBND thành phố tại kỳ họp, với yêu cầu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản cá biệt để tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm khoa học, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, một số nội dung được giao quy định chi tiết cần triển khai xây dựng, ban hành trước ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành (1-1-2025) để có hiệu lực cùng với Luật.
Trong đó, nhiều nội dung văn bản cần ban hành có tính phức tạp, nhiều vấn đề mới chưa có trong quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam thì việc bố trí kinh phí cho việc xây dựng văn bản theo các quy định hiện hành là chưa bảo đảm, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Chính vì vậy, thành phố cần có cơ chế, chính sách riêng để bố trí ngân sách, quy định một số nội dung, mức chi cao hơn, ngoài nội dung, mức chi theo quy định của Trung ương cho nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.