Công nghệ

Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo:Ưu tiên hàng đầu

Thu Hằng 03/10/2024 - 07:26

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) như một đánh giá khách quan của quốc tế về từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các quốc gia. Trong bộ chỉ số GII năm 2024, Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như là một ưu tiên hàng đầu.

san-pham.jpg
Giới thiệu các sản phẩm tại sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.

Hệ thống Đổi mới sáng tạo của Việt Nam có nhiều cải thiện

Trong bảng xếp hạng GII năm 2024 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố, Việt Nam xếp vị trí thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Trong 10 năm qua, xếp hạng của Việt Nam đã tăng hơn 30 bậc, minh chứng rõ rệt cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Báo cáo GII 2024 của WIPO, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (gồm 5 trụ cột: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp), tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53. Đầu ra đổi mới sáng tạo (gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo) tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36. Việt Nam cũng được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013; đồng thời là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp. Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp; thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về nguồn nhân lực và nghiên cứu.

Đặc biệt, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là: Chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới. Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới là: Chỉ số Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); chỉ số Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và chỉ số Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).

Bên cạnh đó, Việt Nam còn một số chỉ số chưa cải thiện hoặc ở thứ hạng thấp như: Về Thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật (hiện xếp hạng 95); về Giáo dục và Giáo dục đại học: Chỉ số Điểm PISA về đọc, toán và khoa học giảm 20 bậc, chỉ số Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật giảm 4 bậc...

Khẳng định hiệu quả đầu tư cho đổi mới sáng tạo

Có nhiều yếu tố quan trọng tạo nên kết quả nói trên, trong đó phải kể đến việc từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này và Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Các chuyên gia WIPO cũng giúp Việt Nam nhìn thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để tập trung giải quyết, thúc đẩy chỉ số đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nhờ những chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của Chính phủ cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và cộng đồng doanh nghiệp mà chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục được cải thiện. “Các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đổi mới sáng tạo, thể hiện rất rõ về tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp chiếm phần lớn trong tổng chi nghiên cứu và phát triển, tăng cường liên kết viện - trường - doanh nghiệp, liên kết cụm” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, để duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số hiện còn chưa tốt. Đặc biệt, cần có các đột phá trong cơ chế, chính sách, tạo động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng kết quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp thu, làm chủ và từng bước tham gia tạo ra công nghệ; tăng cường nhập khẩu và năng lực tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới; ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, có tiềm năng đóng góp lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trong đó quan tâm đến các khởi nghiệp sáng tạo có tác động tích cực đến môi trường và xã hội.

“Mục tiêu của chúng ta là vào năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 40 về GII, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ công nghệ thế giới” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Ưu tiên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.