(HNM) - Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chính thức được 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước triển khai. Trước lo ngại về điều kiện vay không dễ dàng, đại diện các ngân hàng thương mại đều khẳng định, thủ tục đơn giản, không rườm rà, điều quan trọng là phải đúng đối tượng.
Chuẩn bị đủ nguồn vốn
Bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thống nhất mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà. Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân trên thị trường. Từ nay đến hết ngày 30-6, lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Từ ngày 1-7, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay.
Theo Bộ Xây dựng, Bộ đã thống kê, gửi Ngân hàng Nhà nước danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, dự án cải tạo chung cư có nhu cầu vay vốn theo các đợt. Còn đại diện các ngân hàng cho biết đã chuẩn bị nguồn vốn giải ngân cho đối tượng của chương trình. Thủ tục vay đơn giản, không rườm rà, điều quan trọng là phải đúng đối tượng. Với chủ đầu tư, ngân hàng sẽ căn cứ vào danh mục dự án đủ pháp lý do Bộ Xây dựng công bố. Đối với người mua nhà ở xã hội, chỉ cần đủ điều kiện theo quy định là được giải ngân.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là cơ hội cho những người có thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng có thể sở hữu nhà ở. Chị Hoàng Thị Linh (ngõ 603 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) nói: “Tôi đang tìm hiểu về gói tín dụng này để mua một căn hộ. Tôi nghĩ, chính sách giảm lãi suất sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều người lao động có thể mua nhà dễ dàng hơn”.
Cơ chế cho vay sẽ thoáng...
Theo một số doanh nghiệp xây dựng, trước khi có gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải tiếp cận vốn vay thương mại với lãi suất 14%/năm. Nếu áp dụng lãi suất 8,7%/năm, chủ đầu tư sẽ có dòng vốn mới để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 50 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, với tổng diện tích sàn khoảng 3,2 triệu mét vuông. Với nhu cầu về nhà ở của người dân đang cao, gần một nửa số dự án này sẽ được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trước năm 2025. Vì thế, gói tín dụng ưu đãi là trợ lực quan trọng để thành phố hoàn thành mục tiêu trên.
Tuy nhiên, dù đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với người mua nhà ở xã hội, lãi suất 8,2%/năm vẫn quá cao so với khả năng chi trả. Hơn nữa, với lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội thấp hơn 1,5-2%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn và thay đổi 6 tháng một lần, người vay mua nhà sẽ gặp nhiều rủi ro nếu lãi suất thương mại tăng, chưa kể thời gian ưu đãi quá ngắn, chỉ kéo dài 5 năm. Do đó, cần áp dụng một mức lãi suất cố định, Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và thời gian ưu đãi phải kéo dài hơn, ít nhất là 15 năm.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhận xét, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi áp dụng từ nay đến ngày 30-6 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội dù thấp hơn mặt bằng chung, song vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm mà các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng và mang yếu tố bất định khi có thể lên hoặc xuống theo lãi suất thương mại.
Về vấn đề trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, xác định đây là chương trình dài hạn nên Ngân hàng Nhà nước cũng quy định phương án giải ngân rất dài, bắt đầu từ ngày 1-4-2023 đến ngày 31-12-2030. Về nguồn vốn, 4 ngân hàng thương mại sẽ tự huy động, song nếu các ngân hàng khác muốn tham gia, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho phép với điều kiện tuân thủ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Cơ chế cho vay gói này sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng không đặt ra những điều kiện gì khác so với các khoản vay thông thường, nhưng điều quan trọng là phải đúng đối tượng mua nhà ở các phân khúc nói trên. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để ngăn chặn tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.