Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai gói 30.000 tỷ đồng: Còn nhiều vướng mắc

Thủy Hương| 11/06/2013 14:29

(HNMO) - Đến thời điểm này, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà đã được triển khai được hơn chục ngày. Tuy nhiên, hầu như chưa có cá nhân nào vay được bởi còn nhiều vướng mắc.

Ảnh minh họa


Ngay khi có Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, 5 ngân hàng được giao nhiệm vụ giải ngân gói tín dụng này là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB đã tích cực triển khai đến tất cả các chi nhánh trong cả nước, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở trong toàn hệ thống. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, nhà ở chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, tổ chức khởi công các dự án nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này.


Tuy nhiên, đến thời điểm này, phương thức, cách thức triển khai gói tín dụng, thủ tục giải ngân, các dự án được hưởng gói tín dụng, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp được mua nhà trong chương trình vẫn chưa rõ ràng khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều cá nhân đã mất thời gian và công sức để chuẩn bị hồ sơ vay nhưng hầu như đều chưa vay được.

Trước tình trạng trên, Vụ Tín dụng-NHNN cho biết, việc hướng dẫn về đối tượng thu nhập thấp thuộc trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Vụ Tín dụng sẽ có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng giải thích cụ thể về vấn đề này để có cách hiểu thống nhất về đối tượng thu nhập thấp làm cơ sở cho các ngân hàng thực hiện cho vay.

Về điều kiện tham giá gói tín dụng, Vụ Tín dụng-NHNN cho vay, dự án đủ điều kiện tham gia là các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội được Bộ xây dựng tổng hợp, công bố.

Đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, khách hàng phải có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố. Với nhà ở thương mại, khách hàng phải có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư mà căn nhà (căn hộ) mua phải đáp ứng các điều kiện quy định trong Thông tư 07 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

“Vì vậy, người dân có thể chủ động lựa chọn căn nhà theo các quy định nêu trên hoặc thông qua chủ đầu tư dự án để có thỏa thuận 3 bên (ngân hàng-chủ đầu tư-khách hàng vay) để thực hiện mua, thuê, thuê mua nhà ở”.

Vụ Tín dụng cũng cho biết thêm, về nguyên tắc chính sách hỗ trợ chỉ được thực hiện khi Thông tư 11 có hiệu lực thi hành (1-6-2013) nhưng để tạo điều kiện cho người dân ký hợp đồng mua nhà từ ngày chính sách hỗ trợ về nhà ở được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 02 (ngày 7-1-2013), với mục đích tạo cơ hội cho những người có khó khăn về nhà ở có được chỗ ở phù hợp, đồng thời giảm hàng tồn kho nhà ở (những căn hộ chưa bán được), Thông tư 11 đã quy định điều kiện để được xem xét vay vốn là cá nhân có hợp đồng ký kết với chủ đầu tư kể từ ngày 7-1-2013 và doanh nghiệp cần vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh từ ngày 7-1-2013 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.

Đối với những hợp đồng đã ký trước ngày 7-1-2013, khách hàng đã có phương án tài chính để mua nhà trước khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ thì sẽ không được hồi tố để hưởng chính sách này.

Thông tư 11 của NHNN đã quy định thời hạn cho vay đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại tối thiểu là 10 năm. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay dưới 10 năm thì khách hàng được thỏa thuận với ngân hàng thời hạn cho vay thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu.

Trên thực tế, một số ngân hàng có quy định sẽ thu phí trả nợ trước hạn của khách hàng. Về nguyên tắc, ngân hàng được quyền thu phí trả nợ trước hạn theo quy định của pháp luật vì khách hàng đã vi phạm cam kết. Tuy nhiên, đây là chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nhà ở, do vậy NHNN đã đề nghị các ngân hàng không thu phí trả nợ trước hạn của khách hàng. Vì vậy, các khách hàng có thể yên tâm trong trường hợp muốn trả nợ trước hạn.

Cũng liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, theo quy định, 70% giá trị gói tín dụng là dành cho cá nhân nhưng một số ngân hàng thương mại lại phân bổ số tiền cho doanh nghiệp vay là 60% và người mua nhà vay là 40% trong 2-3 năm đầu tiên, sau đó giảm dần vào năm thứ 4 với tỷ lệ tương ứng là 30% và 70%. Về vấn đề này, Vụ Tín dụng giải thích, NHNN sẽ quản lý tỷ lệ cho vay khách hàng doanh nghiệp tối đa là 30% trong toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các ngân hàng thương mại căn cứ vào các đối tượng khách hàng của mình để có kế hoạch cho vay linh hoạt trong từng giai đoạn. Chẳng hạn, để có nhà ở xã hội cho người dân mua nhà thì giai đoạn đầu các ngân hàng có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân cho doanh nghiệp để tăng “cung”; giai đoạn sau sẽ đẩy mạnh cho vay đối với người mua nhà khi cung trên thị trường đã dồi dào.

Được biết, chiều nay (11-6), Công Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức đối thoại trực tuyến để giải đáp những thắc mắc của người dân về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội để nhanh chóng đưa chính sách phát triển nhà ở xã hội vào cuộc sống.

Tham dự đối thoại trực tuyến có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ giải ngân gói tín dụng này và lãnh đạo công ty xây dựng đang triển khai các dự án nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai gói 30.000 tỷ đồng: Còn nhiều vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.