(HNMO) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, diễn ra chiều 6-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời các câu hỏi của đại biểu về những vấn đề liên quan đến các giải pháp về bình ổn giá thịt lợn, bảo vệ quỹ đất nông nghiệp và giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản.
Triển khai nhiều giải pháp không để “sốt” thịt lợn vào cuối năm
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) về các giải pháp đáp ứng nhu cầu về thịt lợn cho người dân ăn Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, với các giải pháp Bộ đang tập trung thực hiện sẽ không để “sốt” thịt lợn vào dịp cuối năm.
Cụ thể, vào đầu tháng 2-2019, ngay khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Bộ đã tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc về các giải pháp vừa tập trung ứng phó với bệnh dịch, vừa tăng cường phát triển nhóm sản phẩm khác thay thế như gia cầm, thủy sản... Sau 9 tháng, lượng gia cầm tăng 12% sản lượng, thủy sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng 4%, đã giúp cân đối, không để xảy ra khủng hoảng thiếu thực phẩm.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về thịt lợn, đã trở thành thói quen trong ăn uống của người dân, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn được tái đàn. “Việc tái đàn không tổ chức vô lối, vô nguyên tắc để xảy ra dịch bệnh, rủi ro lần thứ hai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Quang Thanh (Đoàn Hà Nội) về việc giúp nông dân tìm sinh kế mới khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh việc này. Theo Bộ trưởng, việc tìm sinh kế mới cho bà con, chính quyền địa phương phải chăm lo. Chẳng hạn, ở huyện Đông Anh (Hà Nội), khi tìm sinh kế mới, cần nghiên cứu đề xuất gì để phù hợp với Thủ đô. Nếu khó khăn, chính quyền phải cùng vào cuộc, hướng dẫn làm mô hình nhưng phải phù hợp với môi trường.
Bảo vệ đất nông nghiệp là vấn đề quan trọng
Liên quan đến vấn đề bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, đây là vấn đề lớn luôn được Chính phủ quan tâm. Việc bảo vệ đất nông nghiệp còn là để bảo đảm diện tích trồng lúa, bảo vệ quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ hệ sinh thái. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có quy định về việc giữ trên 3,8 triệu ha đất trồng lúa, trong đó có những quy định rõ ràng về thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa.
Về câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) liên quan chỉ tiêu môi trường trong phát triển nông thôn mới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, có nhiều chỉ tiêu mới là bước đầu nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều chỉ tiêu phụ thuộc vào vấn đề xử lý của chính quyền địa phương như liên quan đến thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, quy hoạch để bảo đảm hạ tầng nông thôn không xảy ra xung đột trong quá trình phát triển…
Liên quan đến việc chôn lợn chết vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi mà đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) nêu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề không quá mới nhưng luôn được dư luận xã hội quan tâm. Bộ TN-MT đã có những hướng dẫn, khuyến cáo về việc xử lý, chôn lấp gia cầm, gia súc.
“Vấn đề ở đây là việc kiểm tra kỹ thuật chôn lấp có bảo đảm hay không, bởi hiện nay các biện pháp mà Bộ khuyến cáo xử lý vẫn là tiêu hủy thiêu đốt và chốn lấp. Bộ đã làm việc với Viện Khoa học nông nghiệp về giải pháp khác nhưng hiện nay vẫn chưa thể có câu trả lời”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển thủy, hải sản Việt Nam
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trình bày nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành thủy, hải sản Việt Nam trong thời gian tới. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản. Năm 2018, tổng sản lượng đạt 7,7 triệu tấn, doanh thu trên 9 tỷ USD. Việt Nam là một trong những quốc gia có sản phẩm thủy sản đứng đầu thế giới, tạo nhiều việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành thủy sản còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Quy mô còn chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chất lượng gia tăng còn thấp, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, tiêu thụ thủy sản; vốn đầu tư khó khăn, chính sách còn bất cập, đặc biệt là tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt.
Phó Thủ tướng cho biết, trách nhiệm của Chính phủ trong việc phát triển ngành thủy sản giai đoạn tới là có giải pháp để ngành này phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển là ngành sản xuất hàng hoá có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới…
Chính phủ đã tập trung vào một số nhiệm vụ như: Tái cấu trúc ngành thủy sản gắn với phát triển thủy sản từng vùng, từng địa phương; sản xuất cung ứng nguyên liệu đầu vào; chuyển phương thức từ nuôi trồng sang hoàn thiện chuỗi sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; gắn phát triển thủy sản với phát triển khoa học kỹ thuật...
Để làm được điều đó, các địa phương cần thúc đẩy tăng trưởng thủy sản; chuyển dịch cơ cấu lao động; nâng cao đời sống cho người lao động; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch…
“Bộ NN&PTNT cần tổ chức lập quy hoạch các vùng kinh tế, lập quy hoạch tỉnh theo quy hoạch mới, trong đó gắn quy hoạch giao thông, thủy lợi, các khu vực nuôi trồng thủy sản cả trên biển và đất liền; xác định rõ cơ cấu nguồn vốn; tập trung đầu tư cho khu vực duyên hải và Đồng bằng sông Cửu Long… Ngoài ra, Việt Nam cần hợp tác đánh bắt cá với các quốc gia trong khu vực để huy động các nguồn vốn trong hợp tác khoa học; hạn chế đánh bắt cá trái phép các vùng biển nước ngoài”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, ngoài giải pháp lâu dài thì nhiệm vụ trước mắt, các địa phương cần phối hợp bộ, ngành liên quan tập trung khắc phục các tình trạng mà Ủy ban châu Âu (EC) kiến nghị để EC sớm gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Kết thúc phần chất vấn nội dung nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 43 đại biểu đặt câu hỏi, 14 đại biểu tranh luận, 5 đại biểu đặt câu hỏi và chưa được trả lời, 24 đại biểu đăng ký chất vấn nhưng chưa có thời gian chất vấn. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ trưởng: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời những vấn đề liên quan.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi ngắn ngọn, đi thẳng nội dung, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Lần thứ hai trả lời chất vấn, với kinh nghiệm quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nắm chắc vấn đề, đưa ra số liệu cụ thể, nêu rõ tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua, lý giải nguyên nhân khách quan, chủ quan về những tồn tại và đưa ra giải pháp.
Với mong muốn giải quyết triệt để các vấn đề được nêu, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các ý kiến, triển khai hiệu quả giải pháp trước mắt và lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.