(HNM) - Thành phố Hà Nội đã, đang triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, tiến độ đề ra. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Chủ động triển khai sớm các bước
- Thưa đồng chí, để triển khai các nội dung liên quan đến công tác bầu cử, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố Hà Nội được thực hiện như thế nào?
- Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TƯ, ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về “Lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, thành phố Hà Nội đã sớm triển khai các công việc, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản chỉ đạo, phân công tổ chức thực hiện, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ chức phụ trách bầu cử từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã để lãnh đạo, triển khai thực hiện cuộc bầu cử theo quy định.
Cụ thể, ngày 10-9-2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về “Lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026”; ngày 30-12-2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 625-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp đó, ngày 14-1-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 275/QĐ-UBND về việc thành lập Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội; ngày 19-1-2021, ngày 22-1-2021, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch công tác bầu cử của thành phố và quyết định thành lập các tiểu ban thực hiện công tác bầu cử, gồm: Tiểu ban bảo đảm an ninh - trật tự, Tiểu ban giải quyết khiếu nại - tố cáo, Tiểu ban thông tin - tuyên truyền về bầu cử.
Ngay sau hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức các hội nghị triển khai công tác bầu cử tại thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng như xã, phường, thị trấn. Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 15 đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm Trưởng đoàn thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bầu cử tại 30 quận, huyện, thị xã.
Đồng thời, thành phố đã triển khai kịp thời các hội nghị tập huấn công tác bầu cử, ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện các nội dung bầu cử theo quy định.
- Đến nay, kết quả triển khai, thực hiện công tác về bầu cử của thành phố như thế nào, thưa đồng chí?
- Các nội dung công việc liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được thành phố Hà Nội triển khai nghiêm túc, kịp thời, đúng quy trình, tiến độ, theo đúng chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia và kế hoạch của Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội. Đến nay đã hoàn thành 23/33 nội dung công việc theo kế hoạch, 100% công việc đều sớm hơn mốc thời gian quy định.
Thường trực Ủy ban Bầu cử thành phố đã nêu cao tính chủ động, nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện; thường xuyên báo cáo với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức các hội nghị và phối hợp với UBND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các ban Đảng Thành ủy để thống nhất quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử. Giữa phiên họp thứ 2 và phiên họp thứ 3, Ủy ban Bầu cử đã báo cáo với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tại 8 phiên họp; tổ chức 12 cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Bầu cử thành phố với UBND thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan liên quan; tổ chức 2 hội nghị làm việc với Bí thư - Trưởng ban chỉ đạo bầu cử các quận, huyện, thị xã.
Thành phố đã hoàn thành việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; thực hiện tiếp nhận và bàn giao hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp của thành phố Hà Nội. Trong đó trên toàn địa bàn thành phố có: 10 ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 30 ban bầu cử đại biểu HĐND thành phố; 269 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 3.056 ban bầu cử đại biểu HĐND xã, thị trấn. UBND các xã, phường, thị trấn thành lập 4.831 tổ bầu cử tại 4.831 khu vực bỏ phiếu theo quy định.
Ủy ban Bầu cử thành phố đã thực hiện rà soát các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức các hội nghị hiệp thương lần 2, lần 3; tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử (cả nơi công tác đối với người tự ứng cử). Qua 3 bước hiệp thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã lựa chọn, lập danh sách 37 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội; 160 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND thành phố; 1.748 người ứng cử đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã; 18.136 người ứng cử đại biểu HĐND xã, thị trấn.
Hiện thành phố đã thực hiện xong việc lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri trên địa bàn theo quy định, số lượng cử tri toàn thành phố theo danh sách sơ bộ là 5.441.214 cử tri. Ngoài ra, 4.831 tổ bầu cử hoàn thành xong việc niêm yết danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tại thành phố.
Bên cạnh đó, công tác về tuyên truyền, tập huấn bầu cử, giải quyết khiếu nại liên quan đến bầu cử; bảo đảm an ninh, trật tự và chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử… cũng đã được quan tâm, bảo đảm theo kế hoạch.
4 bài học kinh nghiệm từ lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử
- So với cả nước, Hà Nội là đơn vị triển khai sớm các bước về bầu cử, đồng chí có thể nêu một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo?
- Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác bầu cử. Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phát huy cao tinh thần trách nhiệm của các đoàn công tác trong việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh trong công tác bầu cử của các địa phương.
Hai là, sự chủ động và phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Bầu cử, các ban Đảng Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
Ba là, các tiểu ban của Ủy ban Bầu cử, các cơ quan thành phố đã tập trung, nghiêm túc và phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo và kế hoạch. Duy trì tốt chế độ giao ban, báo cáo với Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn.
Bốn là, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các kênh thông tin trong nội bộ; các đội thông tin lưu động. Bên cạnh đó, nắm chắc diễn biến tình hình, có các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự; chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố.
- Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố để gấp rút hoàn tất công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử vào 23-5 tới như thế nào?
- Thời gian tới, thành phố tập trung tổ chức cuộc bầu cử diễn ra bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo xây dựng các phương án, kế hoạch, kịch bản cụ thể về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ và đặc biệt là phương án phòng, chống dịch Covid-19 cho từng điểm bỏ phiếu.
UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, phường, thị trấn tổ chức chu đáo việc mạn đàm tiểu sử những người ứng cử tại các thôn, tổ dân phố; UBND các xã, phường, thị trấn rà soát kỹ lưỡng về số lượng cử tri trên địa bàn, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, đối tượng tạm trú tại các khu chung cư và người lao động ngoại tỉnh để tránh tình trạng bỏ sót cử tri hoặc cử tri không đúng đối tượng...
Ngoài ra, 15 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục thực hiện kiểm tra đối với các địa bàn được phụ trách; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo các quận, huyện, thị xã để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương; nắm chắc và bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.