(HNNN) - Thực hiện Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21-11-2017 của Quốc hội, năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 trên cả nước chính thức học chương trình, sách giáo khoa mới. Thời điểm này, những công việc cuối cùng của công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... đang được hoàn tất, sẵn sàng cho việc giảng dạy, tạo nền tảng học tập tốt nhất cho học sinh ngay từ lớp 1.
Tăng đầu tư, giảm quá tải
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 772 trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt khoảng 97%. Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2020 - 2021, học sinh tiểu học phải được học 2 buổi/ngày, sĩ số ở mức 35 học sinh/lớp theo Điều lệ trường học.
Trong khi đó, tại Hà Nội, không hiếm trường học có số học sinh/lớp lên đến 50 hoặc thậm chí 55 em. Để giải quyết bài toán quá tải trong bối cảnh số lượng học sinh hằng năm liên tục tăng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung và mở rộng trường học là giải pháp trọng tâm.
Giải pháp nói trên được các địa phương chú trọng thực hiện. Như ở huyện Đan Phượng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn từ trên 90% lên 100% vào cuối năm 2020, huyện đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng bổ sung trường và phòng học để duy trì số học sinh/lớp theo Điều lệ trường học một cách bền vững. Bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng cho biết: Năm học 2020 - 2021, huyện Đan Phượng có 19 trường tiểu học, trong đó, riêng khối lớp 1 có 92 lớp với 2.300 học sinh. Việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất dành cho học sinh lớp 1 - lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình, sách giáo khoa mới là nhiệm vụ trọng tâm. Đến thời điểm này, hầu hết các lớp 1 đều bảo đảm sĩ số 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, để duy trì bền vững tỷ lệ này, huyện Đan Phượng đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhiều trường học, ưu tiên địa bàn đông dân cư, có chiều hướng gia tăng số lượng học sinh.
Dẫn đầu về quy mô học sinh của toàn thành phố hiện nay là quận Hoàng Mai với 92.000 học sinh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho rằng, việc giảm quá tải cần có lộ trình từng bước, yếu tố quan trọng là sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân. Chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021, bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh tuyến tuyển sinh để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giữa các trường, quận Hoàng Mai đã tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và ưu tiên cho học sinh lớp 1. Toàn quận vừa có thêm 91 phòng học mới, chủ yếu dành cho cấp tiểu học. Điều đáng nói, riêng ở khối lớp 1, sĩ số trung bình đã giảm từ 50 học sinh/lớp còn 44 học sinh/lớp.
Bà Trần Thúy Mai, tổ 12, phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho hay: “Phụ huynh chúng tôi rất phấn khởi, mong dự án cải tạo, xây dựng Trường Tiểu học Thúy Lĩnh sớm hoàn thành để con em nhân dân trên địa bàn có điều kiện học tập tốt.
Giáo viên đã sẵn sàng
Xác định điều kiện quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông là đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục Thủ đô đã quan tâm đầu tư cho đội ngũ này cả về số lượng và chất lượng. Dấu ấn đậm nét đối với toàn ngành là các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành xét tuyển viên chức giáo viên cho gần 1.900 người, trong số này có 370 giáo viên tiểu học. Lực lượng này đã góp phần bổ sung cho các trường tiểu học bảo đảm về số lượng giáo viên và đồng bộ hơn về cơ cấu, từ đó thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã hoàn thành khâu chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020 - 2021. Điểm mới của việc chọn sách giáo khoa năm học mới là các nhà trường được giao trách nhiệm lựa chọn các sách giáo khoa có trong danh mục được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng. Thời điểm này, đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường tiểu học đã hoàn thành khóa tập huấn về giảng dạy sách giáo khoa mới dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng chia sẻ: Năm học 2020 - 2021, toàn quận có 260 lớp 1 với hơn 10.000 học sinh. Để bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lớp tập huấn được chia theo từng nhóm nhỏ. Các thầy giáo, cô giáo đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào năm học mới với tâm thế tự tin.
Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho hay: Đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 đã cơ bản hoàn thành khóa tập huấn cấp quận và đang tập huấn theo nhóm trường có cùng lựa chọn về sách giáo khoa. Trong quá trình tập huấn, ban giám hiệu các trường chú trọng đến việc trang bị, định hướng cho giáo viên thay đổi tư duy, phương pháp dạy học từ truyền đạt kiến thức sang tổ chức hoạt động giáo dục.
Để giúp giáo viên tiếp cận nhiều hơn với sách giáo khoa mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ đã phối hợp với các nhà xuất bản tập huấn cho giáo viên và tổ chức các tiết dạy minh họa ở tất cả các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình lớp 1. Phòng đã yêu cầu giáo viên lớp 1 của 16 trường tiểu học trên địa bàn xây dựng các bài dạy và tổ chức hội giảng, rút kinh nghiệm, từ đó chọn ra những tiết học minh họa phù hợp nhất. Cô giáo Phan Thiên Hương, Trường Tiểu học Đông Thái chia sẻ: “Sáng kiến này giúp chúng tôi hình dung rõ nét về bài dạy theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, đồng thời là cơ hội để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động và điều chỉnh phương pháp giảng dạy”.
Các trường học ở các huyện cũng đang tích cực chuẩn bị cho năm học mới. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ thông tin: Giáo viên dạy lớp 1 của 25 trường tiểu học trên địa bàn đã được hỗ trợ tối đa về chuyên môn và kỹ năng. Nội dung được nhấn mạnh trong quá trình tập huấn giáo viên là đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. “Giáo viên chỉ là người tổ chức các hoạt động giáo dục để học sinh tự thảo luận, chiếm lĩnh kiến thức và hình thành kỹ năng. Với đặc thù trường học ở khu vực các huyện, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện, khả năng hỗ trợ con học tập, trong quá trình tập huấn chúng tôi đặc biệt lưu ý giáo viên cách thức giúp học sinh hình thành thói quen, phương pháp tự học” - ông Kiều Trọng Sỹ chia sẻ.
Đồng hành cùng giáo viên, nhằm hỗ trợ tối đa cho giáo viên trong việc tiếp cận với sách giáo khoa mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cấp tài khoản để giáo viên tải miễn phí phiên bản sách giáo khoa điện tử, bài giảng tập huấn, hướng dẫn sử dụng thiết bị dạy học...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại thông tin: Công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới đang được khẩn trương triển khai. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng, thành lập mới 38 trường học với tổng kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng. 9.000 giáo viên dạy lớp 1 trên địa bàn thành phố đã hoàn thành các khóa tập huấn cơ bản, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ với quyết tâm cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.