(HNM) - Theo báo cáo của thị xã Sơn Tây, tính đến nay, xã điểm Sơn Đông đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM với số điểm 97/100. Xã đang hoàn thiện hồ sơ trình đề nghị BCĐ Chương trình 02 thành phố xét công nhận đạt chuẩn NTM; 5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 12 đến 17 tiêu chí.
Theo dự kiến phải đến hết năm 2016 thị xã mới hoàn thành xây dựng NTM. Về phát triển sản xuất, thị xã đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành một số mô hình sản xuất hiệu quả cao như chăn nuôi thỏ, gà Mía theo hướng công nghiệp, trồng đào, bí xanh, ngô… Tuy vậy, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 14 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều thu nhập bình quân khu vực nông thôn của thành phố (trên 24 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn của thị xã còn 4,4%, cao hơn so với tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn thành phố (3,54%).
Một đoạn đường mới được đầu tư xây dựng tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Thái Hiền |
Làm việc với Sơn Tây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái chỉ rõ: Khi sơ kết Chương trình 02 vào thời điểm tháng 12-2013, thị xã Sơn Tây còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền chưa quyết liệt, chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn chưa tốt, chưa xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh... Từ cuối năm 2013 đến nay, xây dựng NTM trên địa bàn thị xã vẫn "giậm chân tại chỗ", các chỉ tiêu tại các xã tăng lên không đáng kể. Đáng lưu ý là quá trình triển khai một số dự án còn chưa minh bạch gây bức xúc cho người dân.
Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho rằng, quá trình triển khai xây dựng NTM, Sơn Tây đã gặp một số tồn tại, hạn chế. Đó là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, cụ thể là xây dựng khu thể thao thôn, xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL rất khó khăn vì yêu cầu kinh phí lớn. Việc huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vốn lồng ghép, doanh nghiệp, xã hội hóa để xây dựng NTM rất khó khăn nên thiếu kinh phí thực hiện các hạng mục công trình, dự án thành phần. Công tác giảm nghèo nhiều nan giải do các hộ nghèo thuộc diện nghèo "bền vững" chiếm tỷ lệ cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với các diện tích đã thực hiện dồn điền đổi thửa còn hạn chế nên chưa xây dựng được thành các cánh đồng mẫu lớn và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất...
Giải đáp những khó khăn về vốn xây dựng NTM của thị xã Sơn Tây, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Khương cho rằng: Nhìn lại quá trình xây dựng NTM ở nhiều địa phương cho thấy, khi xây dựng đề án NTM, bình quân mỗi xã dự kiến đầu tư khoảng 250 - 300 tỷ đồng, nhưng khi hoàn thành có xã chỉ chi hết khoảng 70-80 tỷ đồng. Đó là do trong bối cảnh kinh tế chung còn khó khăn, các địa phương đó đã xây dựng được lộ trình NTM phù hợp, chọn được những khâu đột phá làm nền tảng quan trọng và biết đầu tư đúng, trúng nên thành công. "Theo Luật Đấu thầu mới, những gói thầu đơn giản có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhân dân được, không cần đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi huy động nhân dân ra làm sẽ tạo ra được phong trào, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nông dân tốt hơn" - ông Khương cho biết.
Lưu ý thị xã Sơn Tây trong việc thực hiện Chương trình 02, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Công Soái yêu cầu Sơn Tây phải chọn khâu đột phá để triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể. Khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó. "Huyện Sóc Sơn làm dồn điền đổi thửa 10 năm mới làm được nhưng Chương Mỹ đi học tập ở Sóc Sơn, Mê Linh về chỉ trong 2 năm dồn được 10.000ha. Do đó, khó mấy Sơn Tây cũng phải làm. Khó thì mời bà con nông dân vào cùng trao đổi, tháo gỡ bởi tất cả chủ trương, chính sách đều từ thực tiễn mà ra" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.