(HNM) - Trong tổng số 41 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) tính từ năm 2000 đến nay với tổng vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD, giai đoạn năm 2006-2010 có tới 36 dự án với số vốn đăng ký hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 93%.
Một góc Khu đô thị Ciputra Hà Nội. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ năm 2000 đến nay có tổng cộng 2.003 dự án đầu tư nước ngoài vào địa bàn TP, với số vốn đăng ký là 13,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn năm 2006-2010, có 1.323 dự án với số vốn đăng ký khoảng 10 tỷ USD, chiếm 74% cả giai đoạn. Đặc biệt, riêng năm 2008 là thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và cũng là "đỉnh cao" của thị trường BĐS, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực này là 5 tỷ USD, bằng 50% giai đoạn 2006-2010. Tương tự, trong tổng số 41 dự án nước ngoài đăng ký đầu tư vào BĐS tính từ năm 2000 đến nay, giai đoạn 2006-2010 có 36 dự án, với số vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm 93% cả giai đoạn.
Tuy nhiên, cũng như bức tranh chung của nền kinh tế, hai năm 2009-2010 đã chứng kiến sự giảm đột ngột về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cũng như vốn giải ngân thực hiện nói chung vào lĩnh vực BĐS nói riêng, do suy thoái kinh tế thế giới, đồng thời là thời điểm sau mở rộng địa giới hành chính, các dự án BĐS tạm dừng, chờ TP lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và điều chỉnh khung giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp đà giảm sút, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như chững lại. Giai đoạn này, chỉ có 2 dự án đầu tư nước ngoài vào BĐS đăng ký, với số vốn khoảng 0,29 tỷ USD. Trong khi đó, kinh tế trong nước lạm phát cao, nhiều yếu tố bất lợi khiến không ít doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thua lỗ, thậm chí tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Riêng lĩnh vực BĐS chịu tác động tiêu cực từ lãi suất cao, nguồn vốn tín dụng giảm, thị trường đóng băng, nên dự án triển khai cầm chừng. Bên cạnh đó, có tình trạng nhà đầu tư đăng ký giữ chỗ, năng lực tài chính hạn chế, quá trình thực hiện dự án dài nên nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Điều này thể hiện ở chỗ vốn đầu tư thực hiện luôn có một khoảng trễ so với số vốn đăng ký (vốn thực hiện chỉ bằng 40% vốn đầu tư đăng ký).
Tính chung cả thời điểm trước năm 2000, hiện Hà Nội còn 95 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoạt động trong lĩnh vực BĐS còn hiệu lực, trong đó 88 dự án đã có quyết định cho thuê đất (khoảng 1.530ha). Cụ thể, lĩnh vực khu đô thị (KĐT), nhà ở có 17 dự án; trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở cho thuê, khách sạn có 66 dự án; khu công nghiệp, sân golf, công viên 5 dự án. Trong số 88 dự án có quyết định cho thuê đất, có 3 dự án chưa thực hiện xong GPMB. Đến nay, đã có 82/88 dự án đã đưa vào sử dụng hoặc đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản; 1 dự án không phù hợp quy hoạch phải di chuyển và 2 dự án đang làm thủ tục thu hồi do không khả thi. Tuy nhiên, ngoại trừ một số dự án quy mô nhỏ, lãnh đạo TP cho biết, hầu hết các dự án đều chậm so với tiến độ quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, điển hình là do GPMB chậm như dự án KĐT Nam Thăng Long giai đoạn II và III từ năm 2005 đến nay vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng thi công. Hay có mặt bằng rồi nhưng chưa triển khai như dự án của Công ty TNHH Booyoung Vina tại KĐT Mỗ Lao (Hà Đông). Mặt khác, đa số dự án trong quá trình triển khai đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ. Với 7 dự án chưa có quyết định cho thuê đất, UBND TP Hà Nội đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP tổ chức GPMB 3 dự án là Công viên Yên Sở, Khu Công nghệ cao sinh học và KĐT Tây Hồ Tây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.