(HNM) - Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh ngày một khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở 21 tỉnh, TP được coi là giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.
Người nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ nhận được mức đền bù xứng đáng khi cây trồng và vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ảnh: Bá Hoạt |
Cơ chế thoáng
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhà nước sẽ hỗ trợ theo các mức 60%, 80% và 100% phí bảo hiểm (BH) cho nông dân, sản xuất nông nghiệp (SXNN) tham gia thí điểm BHNN - mức hỗ trợ tương ứng lần lượt với hộ nông dân bình thường, cận nghèo và nghèo. Đối với tổ chức SXNN tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 1-7 tới. Ông Dương Tương Phục, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho rằng cơ chế này sẽ thu hút nhiều hộ tham gia. Hiện giá bò được tính từ 35-40 triệu đồng/con, bình thường nếu mua BH cho 1 con bò sẽ mất khoảng 320.000 đồng nhưng với mức hỗ trợ mới thì nông dân chỉ phải nộp 32.000 đồng; nhà nước hỗ trợ 288.000 đồng. Nếu bò chết vì dịch bệnh, người mua BH sẽ được nhận bồi thường tới 7,2 triệu đồng; trường hợp không mua BH thì chỉ được nhận tối đa 800.000 đồng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm vững chủ trương cũng như lợi ích khi tham gia BHNN dù loại hình bảo hiểm này có mặt tại Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước. Nhiều chủ trang trại lớn tại Hà Nội khi được hỏi về BHNN chỉ trả lời "có nghe đài báo nói nhưng không hiểu rõ". Nhiều chủ sản xuất, chăn nuôi lại lo sợ khi gặp dịch bệnh hay thiên tai, phía BHNN không đánh giá đúng mức độ thiệt hại và người mua không được đền bù tương xứng. Đối tượng của BHNN là vật nuôi, cây trồng nhưng người quyết định mua BHNN là con người nên muốn chiến lược chung phát huy hiệu quả trong đời sống thì việc thay đổi nhận thức của chủ chăn nuôi, sản xuất đóng vai trò quan trọng.
Phải "dọn đường" cho BHNN
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng. Theo ông, việc triển khai BHNN không đơn giản vì mỗi tỉnh, thành phố phải chọn lựa một vùng BH riêng và phù hợp. Đơn cử như tỉnh Nghệ An chọn BH cho cây lúa thì không thể chọn những huyện vùng cao như Quỳ Hợp, Quế Phong… được, mà phải chọn các huyện như Hưng Nguyên. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, có khó đến mấy cũng phải thực hiện BHNN bởi hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam có đến hàng trăm triệu con; diện tích lúa hàng hóa, chăn nuôi thủy sản cũng phát triển nhanh. Nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại rất khó lường không chỉ tác động trực tiếp tới đời sống nông dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và an ninh lương thực quốc gia.
Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính là hai cơ quan chủ trì thực hiện thí điểm BHNN tại 21 tỉnh, thành giai đoạn 2011 đến 2013. Bộ NN&PTNT sẽ đảm nhiệm những nhiệm vụ như: Ban hành những quy định về thiên tai nào, dịch bệnh nào cần được BH, ban hành các tiêu chí về quy mô chăn nuôi, trồng trọt thế nào thì được BH và quy trình công nghệ nào cho chăn nuôi, trồng trọt được BH. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy trình thủ tục hành chính, thu BH và chi trả BH. Việc soạn thảo các quy định, thông tư, hướng dẫn phải hết sức chi tiết và cụ thể. Nhưng cũng cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Ví dụ như phân loại thiên tai thì phải thống nhất với Bộ TN-MT, dịch bệnh thì phối hợp với Bộ Y tế… Khối lượng văn bản cần phải ban hành rất lớn mà thời điểm hiện nay, chỉ còn gần 3 tháng nữa để BHNN đi vào hiện thực, liệu 1-7, có kịp triển khai như mục tiêu đề ra. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định, BHNN được triển khai từ 1-7, việc xây dựng cơ chế cho BHNN phải xong trước 30-6. Điều quan trọng là các địa phương phải lựa chọn xong vùng thí điểm, muốn vậy thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương.
Việc "dọn đường" để BHNN đi vào cuộc sống cần được tiến hành tích cực bởi ngoài việc tuyên truyền thay đổi nhận thức người chăn nuôi, sản xuất, xây dựng khung pháp lý thì việc khuyến khích các công ty BH vào cuộc cũng không đơn giản. Nhiều doanh nghiệp BH hàng đầu Việt Nam còn băn khoăn với đối tượng khách hàng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Minh, TGĐ Công ty CP BH Ngân hàng Nông nghiệp cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh BH muốn thành công, ngoài định hướng chiến lược đúng đắn còn phải quản lý được mức độ rủi ro từ nhiều yếu tố. Phải để người nuôi, trồng có trách nhiệm với chính "mặt hàng" đăng ký mua BHNN.
BHNN là chính sách đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên để BHNN không nằm trên giấy tờ thì các bộ, ngành cần tránh tình trạng nghị định "ngồi" chờ thông tư, thông tư "ngồi" chờ hướng dẫn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.