Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trí tuệ nhân tạo của Intel nhận biết video mạo danh với độ chính xác tới 96%

Hoàng Linh| 18/11/2022 18:42

(HNMO) - Các đoạn video giả mạo (deepfake) đang gây ra nhiều rắc rối trong đời sống chính trị, xã hội khắp thế giới.

Ảnh minh họa.

Khi Photoshop xuất hiện, cách con người tiếp nhận tin tức đã hoàn toàn thay đổi Những hình ảnh người dùng thấy hoàn toàn có thể là sản phẩm của một quá trình cắt ghép kỳ công. Điều này không chỉ khiến họ hoài nghi vào độ chính xác của hình ảnh, mà đồng thời đặt niềm tin nhiều hơn vào các đoạn video hay ghi âm, cho rằng đây là những thứ gần như không thể giả mạo. 

Nhưng một lần nữa, deepfake (giả mạo sâu) xuất hiện và đã nhanh chóng "đâm thủng" thành trì tiếp theo của thế giới internet. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của deepfake, đặc biệt là phụ nữ, người nổi tiếng và chính trị gia. Chỉ trong vòng vài năm, những video bị chỉnh sửa đã phát triển, và xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các đoạn phim hài ngắn, cho tới các đoạn video có mục đích làm sai lệch thông tin, giả mạo, thậm chí cả nội dung khiêu dâm. 

Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, deepfake có khả năng trở nên thuyết phục hơn. Mối đe dọa từ các giải pháp tinh vi và nguy hiểm hơn khiến một số công ty, trong đó có Intel tìm cách xây dựng các kỹ thuật phát hiện. Theo hãng bán dẫn Mỹ, FakeCatcher có thể phân biệt các đoạn video của người thật với deepfake với độ chính xác 96% chỉ trong vài mili giây. 

Để có được đạt độ chính xác đáng ngạc nhiên, FakeCatcher đã tận dụng một thứ ít ai nghĩ tới: Máu. Cụ thể, FakeCatcher tìm kiếm các dấu hiệu rất nhỏ của lưu lượng máu trong các điểm ảnh trên mỗi đoạn video mà nó cho là deepfake. Về nguyên tắc, khi trái tim bơm máu, tĩnh mạch cũng thay đổi màu sắc. Hiện tượng này thường được tận dụng trong công nghệ chụp quang tuyến (PPG) - kỹ thuật cho phép theo dõi lưu lượng máu trong y tế. 

Sử dụng công nghệ tương tự PPG, FakeCatcher ghi lại tín hiệu lưu lượng máu từ khuôn mặt của đối tượng xuất hiện trong video. Sau đó, công cụ này sẽ chuyển các tín hiệu đó thành bản đồ số, trong đó các thuật toán học sâu sẽ so sánh với diễn biến PPG của con người, qua đó xác định xem chủ đề của video là thật hay giả.

Để tăng độ chính xác cho FakeCatcher, các kỹ sư của Intel đã sử dụng một số công nghệ độc quyền, như bộ xử lý Intel Xeon Scalable thế hệ thứ 3, cho phép công cụ này phân tích tối đa 72 luồng dữ liệu riêng biệt cùng lúc.  

Phát kiến công nghệ mới của Intel được giới chuyên môn quan tâm. Bởi lẽ, tùy thuộc vào cách thức và địa điểm triển khai FakeCatcher, vũ khí mới này có thể giúp dập tắt các thuyết âm mưu, lừa đảo và nội dung độc hại trước khi chúng có khả năng tiếp cận nhiều đối tượng hơn. 

Lúc này, Intel không đơn vị duy nhất đang ra sức chống lại nội dung giả mạo deepfake. Đầu năm nay, Google đã đưa ra quyết định cấm các nội dung hướng dẫn sử dụng deepfake trên dịch vụ của mình. Liên minh châu Âu cũng siết chặt các quy định riêng, thông báo sẽ có hành động chống lại Meta, Twitter và những gã khổng lồ công nghệ khác nếu họ không có những nỗ lực rõ ràng để chống lại deepfake.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trí tuệ nhân tạo của Intel nhận biết video mạo danh với độ chính xác tới 96%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.