(HNM) - Nhân dân ta vừa kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám - một sự kiện vĩ đại trong lịch sử nước nhà, mà thành quả là sự ra đời của nhà nước dân chủ, nhân dân, đánh dấu sự chuyển dịch vị thế của người dân từ thân phận nô lệ, bị phong kiến, thực dân bóc lột sang vị thế của người làm chủ đất nước.
Sự biến đổi về chất chính trị - lịch sử ấy luôn gắn với tên tuổi lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng chính trị của Người. Chính người cùng với Đảng của mình là người mở ra thời đại mới ở Việt Nam, một thời đại quyền dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc được khẳng định, được bảo đảm. Đó là Thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Cũng chính từ sự biến đổi lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng cầm quyền để mấy chục năm nay lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam trên phạm vi cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vai trò của Đảng thật to lớn, trách nhiệm thật lớn lao, bổn phận thật nặng nề. Chính vì thế, Đại hội XII của Đảng đang là một sự kiện chính trị - xã hội được nhân dân cả nước và dư luận quốc tế quan tâm.
Bước ra khỏi chiến tranh, kinh tế đất nước khó khăn đủ bề trong vòng kim cô quan liêu bao cấp, nhu yếu phẩm thiếu thốn, lại bị ngăn sông cấm chợ, thiếu lương thực phải nhập khẩu, hàng hóa thủ công nghiệp sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội; đời sống nhân dân khó khăn, chật vật trăm bề, thêm vào đó, đất nước lại bị bao vây cấm vận. Trong bối cảnh đó, Đảng phải mất 10 năm sau giải phóng miền Nam trăn trở tìm đường đổi mới đất nước theo hướng đánh giá lại tư duy kinh tế của mình. Đây là quá trình can đảm nhìn thẳng vào sự thật để phủ nhận, bác bỏ tư duy nóng vội, đốt cháy giai đoạn, sai quy luật trong các chính sách chiến lược trước đây. Đó là trí tuệ nhìn ra các lực cản phát sinh ngay trong lòng chính sách. Đó là bản lĩnh dám chối bỏ những gì là lực cản khi đã được nhận diện.
Sự dũng cảm ấy làm cho Đảng ta vượt qua được chính mình để đổi mới nhằm nâng cao cuộc sống của nhân dân và tạo đà phát triển đất nước. Đó cũng là chất văn hóa sâu sắc trong hoạch định đường lối, chính sách.
Sức mạnh của tư duy chính sách bằng trí tuệ, bản lĩnh và văn hóa tạo ra sự phát triển đột phá. Chỉ 3 năm sau đổi mới, nước ta đã xuất khẩu lương thực. Và làn gió đổi mới tạo ra sức mạnh mới, mọi lực lượng sản xuất được giải phóng. Từng bước, nhiều mặt hàng nông sản, hàng thủ công nghiệp được xuất khẩu và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Cơ sở hạ tầng nhìn chung đã có nhiều đổi thay tích cực, vóc dáng phố phường từ Thủ đô đến các địa phương ngày một hiện đại... Sau gần 30 năm đổi mới, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống người dân được cải thiện, đất nước đã thay da đổi thịt trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, thế và lực của đất nước được nâng lên và trở thành đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Sự nghiệp đổi mới đã trải gần một phần ba thế kỷ. Nhiều lần Đảng ta khẳng định công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc thời đại. Thắng lợi của 30 năm đổi mới to lớn thế, nhưng nhân dân ta, Đảng ta hẳn chưa thể hài lòng với những thành tựu ấy. Tiềm năng và lợi thế đất nước chưa được phát huy hiệu quả, đất nước còn có thể đạt những thành tựu về kinh tế, xã hội to lớn hơn nữa. Đảng và nhân dân vẫn trăn trở, vì sao sau 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới mà nền tảng tinh thần xã hội còn có những biểu hiện đáng lo lắng đến thế? Đất nước không thể phát triển trong môi trường văn hóa còn có không ít khuyết tật về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trong đối nhân xử thế, vẫn còn biểu hiện một môi trường mà lòng tham ngự trị, len lỏi, hoành hành ngay trong một bộ phận không nhỏ "công bộc của nhân dân".
Một thực tế là nhiều vấn đề nóng bỏng, cấp bách của Đảng, của đất nước được nhiều nghị quyết của các cấp bộ Đảng từ Trung ương đến cơ sở đề cập, nhấn mạnh trong nhiều nhiệm kỳ nhưng không được cải thiện, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn? Có lẽ, nguyên nhân sâu xa nằm ở trí tuệ, bản lĩnh và văn hóa của mỗi đảng viên, nhất là đảng viên - cấp ủy với những biểu hiện tích cực hay tiêu cực khác nhau. Khi tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm và tâm lý "mũ ni che tai", "dĩ hòa vi quý" thì nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước không thể phát huy trong đời sống xã hội. Tư duy và tâm lý ấy làm thui chột tư duy sáng tạo, bản lĩnh chiến đấu và sức sống văn hóa trong một tổ chức và trong hoàn cảnh ấy, lấy đâu ra con người sáng suốt có trí tuệ, bản lĩnh, tố chất văn hóa mà đưa đường lối, chính sách vào cuộc sống. Có thể, nhiều trường hợp, không phải nghị quyết, chính sách tạo rào cản mà người thực hiện nghị quyết, chính sách không đưa chúng vào cuộc sống nên đã làm chúng trì trệ, méo mó để hưởng lợi (như vấn đề quản lý đất đai ở địa phương, đã có những lãnh đạo cấp tỉnh bị kỷ luật).
Hay, xin nêu một ví dụ là khi tổng kết 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh chỉ có 4/22 bộ và cơ quan ngang bộ, 3/63 tỉnh, thành phố có báo cáo. Trong khi đó, theo yêu cầu của Nghị quyết 19, định kỳ hằng quý, các bộ, cơ quan, địa phương gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Các bộ, ngành, nhất là những đơn vị là thành viên Chính phủ không thực hiện báo cáo định kỳ phần nào cho thấy một thực tế là nói không đi đôi với làm... Có người nói, cải cách hành chính như vậy là nửa vời, làm nản lòng những ai muốn cải cách để phát triển.
Như thế làm sao đạt tầm tư duy quản lý phát triển. Rào cản tư duy này không được gỡ bỏ sớm trong khuôn khổ trách nhiệm pháp luật (chứ không phải bằng nhắc nhở, phê bình) thì khó đưa nước ta hội nhập và cạnh tranh trong cộng đồng Đông Nam Á. Cung cách làm ăn vô cảm với chính ý tưởng của mình trong việc cải cách môi trường kinh doanh, đa số bộ, ngành, địa phương đã tạo ra sự trì trệ, khiến cho nước ta khó mà đạt thứ hạng trung bình ASEAN-6 và còn lâu mới vươn tới mức ASEAN-4 như Chính phủ đề ra. Tư duy và ý thức quản lý kiểu này đang tạo lỗi hệ thống, lại nảy sinh ngay trong hệ thống vĩ mô sẽ gây nhiều hệ lụy cho nắm bắt tình hình và điều chỉnh chính sách...
Đảng và nhân dân đang trăn trở làm thế nào để có môi trường văn hóa lành mạnh? Hiển nhiên trong xã hội ta, nhân tố thu hút, tập hợp, lan tỏa văn hóa chính là sự trong sạch của Đảng. Dường như, cuộc đấu tranh xây dựng, bảo vệ tôn chỉ, mục đích của Đảng mới dừng ở nhận thức. Vấn đề là phải đoàn kết nội bộ để hành động. Phải thực hành dân chủ rộng rãi, tự phê bình và phê bình như "rửa mặt" hằng ngày để xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng như bảo vệ con ngươi của mắt mình (như Bác Hồ căn dặn). Hình như đây là khâu khó mà tổ chức Đảng chưa vượt qua được, nếu không sẽ không có "một bộ phận không nhỏ".
Sau 40 năm thống nhất, 30 năm đổi mới, nếu không để lỗi hệ thống (về con người và chính sách) tồn tại và nếu có chính sách sát thực và có đội ngũ trí tuệ, trong sạch đủ sức đưa đường lối, chính sách vào đời sống xã hội một cách hiệu quả thì chắc chắn đất nước, nhân dân và Đảng ta có thể giành được những thành tựu to lớn hơn nhiều. Ngoài ra, bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết của khóa mình, hiện tượng Ban Chấp hành khóa sau tiếp tục thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành nhiều khóa trước là phổ biến. Tình trạng này cần sớm có hướng khắc phục. Nhận diện những nguyên nhân tạo lực cản của phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng của Đại hội XII.
Dự thảo Báo cáo chính trị chỉ ra những nguyên nhân yếu kém cản trở phát triển, trong đó có tình trạng chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện một số chủ trương, quan điểm phát triển đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI, chưa tạo được cơ chế, chính sách có tính đột phá để huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp. Do chưa đánh giá và dự báo đầy đủ, nên Đại hội XI đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cao (Dự thảo).
Với thái độ cầu thị, nếu thử nhìn sang Singapore sẽ thấy rằng, sau nửa thế kỷ giành được độc lập dân tộc (1965-2015), một đất nước, đất không rộng (chừng 2/3 diện tích Hà Nội cũ), người không đông (khoảng 5,4 triệu, tương đương chừng 85% dân số Thanh Hóa, Nghệ An cộng lại) và xuất phát điểm (thời 1965) chẳng khác gì điểm xuất phát của nước ta (năm 1975) mà họ đã có sự phát triển đáng nể. Tuy lúc đó, nước ta vừa bước ra khỏi chiến tranh, nhưng tiềm năng phát triển của nước ta vẫn có nhiều thuận lợi. Vậy, làm thế nào mà Singapore lại trở thành một quốc gia giàu có, một địa chỉ thu hút trí tuệ trên thế giới, một điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế (khoảng 11 triệu khách/năm, gấp đôi dân số nước họ).
Không thể phủ nhận các nguồn lực của Việt Nam rất dồi dào; trí tuệ con người Việt Nam ra ngoài cũng hội nhập được với thiên hạ và có những người nổi lên vượt trội trong môi trường hợp tác ở nước người; tài nguyên khoáng sản nước ta chắc chắn phong phú, đa dạng và thuận lợi hơn, nhưng sao họ vượt ta xa thế? Nguyên nhân gì khiến một đất nước giàu tiềm năng, lợi thế lại phát triển chậm, không bền vững? Chắc chắn nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là chính sách. Những nước phát triển được là do họ có một hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển và phù hợp với hoàn cảnh đất nước, một chính sách phát triển bằng nguồn lực trí tuệ và văn hóa? Chính sách khi đã đúng, đã sát thực tế thì nó sẽ được thực hiện và dễ đi vào cuộc sống.
Đường lối của Đảng đề ra đều được đánh giá là đúng đắn, nhưng có nhiều vấn đề còn chậm được thể chế hóa, hoặc được thể chế hóa rồi thì khâu thực hiện thiếu năng động, sáng tạo, cho nên hiện thực xã hội phát triển không được bền vững, không tương xứng với tiềm năng. Cũng phải nói rằng, không ít chính sách không thực hiện được vì chính sách còn xa rời thực tế. Cũng có khi quy mô chính sách quá tầm và lực thực hiện nên kết quả chưa như mong muốn. Những lỗi hệ thống này tạo ra lực cản cho phát triển, mà lỗi hệ thống thì phải khắc phục từ hệ thống. Hy vọng những mâu thuẫn được sinh ra do lỗi hệ thống phải được xem xét bắt đầu từ những mắt xích chính của hệ thống, đó là đường lối, chính sách, nguồn lực, đội ngũ thực thi sao cho đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Gần đây, thông tin đại chúng cho biết, Bộ Tài chính có chủ trương đề nghị Chính phủ xóa nợ 10 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước. Dư luận, nhất là các thành phần kinh tế khác không đồng tình. Nếu chính sách này được thực hiện, thì, thứ nhất, làm giảm vai trò doanh nghiệp nhà nước với tư cách một yếu tố tạo ra thành phần chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân; thứ hai, tạo ra tình trạng thiếu bình đẳng, không công bằng trong các thành phần kinh tế, nhất là khi thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là một chủ trương lớn của Đảng. Vấn đề cần quan tâm nhận diện là chính sách nào, khâu nào là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp nhà nước làm ăn không đủ nộp thuế? Phải chăng, đây là minh chứng cho việc các doanh nghiệp nhà nước phải khẩn trương cổ phần hóa, đồng thời, là minh chứng sự tồn tại doanh nghiệp nhà nước sẽ đem lại những hệ lụy về kinh tế và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Có thể nôm na nói rằng nguyên nhân là do đồng tiền (vốn của doanh nghiệp) không gắn liền khúc ruột, mà là tiền chùa gắn với tư duy nhiệm kỳ và tư duy nhóm lợi ích.
Để phát triển xã hội, quản lý xã hội, bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền của đất nước, thì đại hội Đảng là dịp toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nhìn thẳng vào sự thật một cách trách nhiệm hơn, có cơ sở nhận diện thực trạng đầy đủ hơn để tiếp tục đổi mới đất nước. Chỉ trên cơ sở đó mới hình thành các chủ trương, chính sách sát đủ tầm, đủ lực, sát thực tế và có tính khả thi cao. Trong văn kiện các đại hội Đảng các cấp cũng như trong các báo cáo sơ kết, tổng kết một lĩnh vực nào đó, chúng ta thường bắt gặp mệnh đề "sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế". Đại hội Đảng bộ một số tỉnh vừa diễn ra, cũng có nội dung thảo luận làm rõ nguyên nhân nào đã làm cho "phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương". Hiểu rộng ra, tiềm năng, lợi thế ở đây là con người với năng lực tư duy phát triển, là văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, tài nguyên khoáng sản, môi trường xã hội được khai thác, phát huy một cách khoa học, hiệu quả…
Như thế, phải chăng nguyên nhân cốt lõi là chưa có chính sách hiệu lực, hiệu quả để phát huy mọi nguồn lực tiềm tàng trong xã hội và chưa có đội ngũ ngang tầm đưa nghị quyết trở thành hiện thực cuộc sống. Chỉ có một hệ thống chính sách đúng đắn, sát thực mới kết nối và phát huy, phát triển được các nguồn lực. Chỉ có đội ngũ ngang tầm nhiệm vụ mới thúc đẩy được sự phát triển. Như vậy, nguồn lực chính sách có vai trò quyết định phát triển, mà chính sách lại là sản phẩm trí tuệ, bản lĩnh sáng tạo và tầm văn hóa của con người. Xét đến cùng, con người với trí tuệ, bản lĩnh sáng tạo và đủ tầm văn hóa là nhân tố quyết định phát triển bền vững. Hy vọng, Đại hội XII của Đảng quy tụ được những nhân sự như thế làm động lực phát triển, đưa đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.